Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 6,7% so với tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 785 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 5,1% so với tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 60% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hầu hết mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có xu hướng giảm mạnh.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023, còn một số mặt hàng xuất khẩu khác như dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; viên gỗ nén, cửa gỗ…, trị giá xuất khẩu những mặt hàng này cũng giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.
Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu thị trường tăng theo thông lệ, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu sửa chữa thay thế nội thất gia đình tăng để đón chào năm mới.
Với thị trường Hoa Kỳ, nhiều ý kiến đánh giá, ngoài mức hấp thụ lớn, đồ nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này hiện đang có lợi thế về thuế quan. Các hiệp định thương mại tự do cũng tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất sang những thị trường tiềm năng khác như châu Âu, châu Á, Trung Đông... Do đó, tiềm năng phát triển của công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bên cạnh việc chờ thị trường phục hồi thì nhiệm vụ đặt ra với các doanh nghiệp lúc này đó là đội ngũ phát triển sản phẩm có nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp đáp ứng được những đòi hỏi đó. Đồng thời đưa ra các giải pháp chiến lược để có thể tối ưu sản xuất, tiết kiệm chi phí.