Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp gỗ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước đang tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn.
govalamsan-1694419774.jpg
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tháng 8/2023, xuất khẩu lâm sản chỉ đạt 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu lâm sản chỉ đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%.

Còn trong 7 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%, lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4 %. Thị trường xuất khẩu chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính của lâm sản sản Việt Nam.

Trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu đang khó khăn, thị trường nội địa được kỳ vọng là một giải pháp tốt cho đầu ra của ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam. Với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, ước tính mỗi năm có tới 70 - 80 triệu m2 nhà ở được xây dựng, nên nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao.

Đây cũng là giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đa dạng hoá đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu.

Việc quay lại thị trường nội địa được đánh giá là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp gỗ không bỏ phí tiềm năng tiêu thụ trong nước mà còn giúp người tiêu dùng trong nước sở hữu các sản phẩm nội thất chất lượng cao do chính Việt Nam sản xuất.

Đông Nghi