Xây dựng vùng trồng cây ăn quả chủ lực, đặc sản tập trung

Nhằm phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng cây ăn quả chủ lực, cây ăn quả đặc sản hàng hóa.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, nhất là cây cam sành, cây bưởi, na…, những năm qua, Tuyên Quang đã tập trung phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 19.700 ha cây ăn quả; trong đó diện tích cây cam là 7.716 ha, cây bưởi là 5.358 ha, cây nhãn 899 ha, cây chuối 2.233 ha… tổng sản lượng thu hoạch hơn 180.000 tấn/năm. Nhiều cây ăn quả đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: cam sành Hàm Yên, bưởi Xuân Vân, lê Hồng Thái…

Thời gian tới, Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao theo quy mô tập trung, bền vững, hiệu quả và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp và ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt trên 19.000 ha, sản lượng trên 200.000 tấn/năm, trong đó: Diện tích cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đạt trên 16.200 ha, sản lượng trên 180.000 tấn/năm; nâng cao giá trị các cây ăn quả đặc sản, gắn với phát triển du lịch như cây hồng không hạt, cây lê,… Đến năm 2030, duy trì diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt trên 19.000 ha, sản lượng 220.000 tấn/năm; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đạt trên 17.700 ha, sản lượng đạt trên 210.000 tấn/năm; nâng cao giá trị các cây ăn quả đặc sản, gắn với phát triển du lịch như cây hồng không hạt, cây lê,…

Trong đó, định hướng đến năm 2030 với cây cam địa phương này ổn định diện tích trên 7.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt 3.050 ha. Tập trung ở các huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn. Cơ cấu diện tích cam chín chính vụ từ 70-75% diện tích, cam chín rải vụ thu hoạch từ 25-30% diện tích... Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ, an toàn, chú trọng áp dụng ghép cải tạo vườn cam, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch cam; cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

cam-sanh-2-1686191657.jpg
Tuyên Quang duy trì diện tích trồng cam trên 7.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn quả/năm tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn...

Ổn định diện tích bưởi trên 5.300 ha, sản lượng trên 60.000 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 2.500 ha. Tập trung ở các huyện: Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang. Bố trí cơ cấu giống bưởi chín chính vụ 70% diện tích, rải vụ thu hoạch 30% diện tích. Bình tuyển, phục tráng các giống bưởi bản địa, đặc sản địa phương có chất lượng, ít hạt, chống chịu tốt với sâu bệnh hại như: Bưởi Soi Hà, bưởi Thái Long,…Đẩy mạnh sản xuất an toàn, ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật thụ phấn bổ sung, xử lý ra hoa, đậu quả, phòng trừ sâu bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu, chú trọng khâu bảo quản bưởi; cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Diện tích nhãn duy trì trên 900 ha, sản lượng trên 6.000 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) đạt trên 260 ha. Tập trung ở các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang. Bố trí cơ cấu các giống nhãn với giống chín sớm 10% diện tích, chính vụ 50% diện tích và chín muộn 40% diện tích. Tiếp tục sử dụng các giống nhãn mới có chất lượng như: Giống dễ xử lý ra hoa, quả to, màu vỏ sáng, thịt quả dày, hạt nhỏ, chống chịu với biến đổi khí hậu và có thời gian bảo quản kéo dài.

Bên cạnh đó, phát triển 3.000 ha trồng chuối, sản lượng trên 29.000 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 900 ha. Tập trung ở các huyện: Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương. Tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh (nhất là bệnh héo rũ Panama). Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ, an toàn trong sản xuất; chú trọng kỹ thuật bao buồng, kỹ thuật trồng xen, chống đổ và đẩy mạnh thâm canh, cơ giới hóa trong sản xuất chuối tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói giúp truy xuất nguồn gốc, gắn với sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn, quy chuẩn để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cây thanh long sẽ ổn định diện tích trên 290 ha, sản lượng trên 1.900 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 110 ha. Tập trung ở các huyện: Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương. Bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40% diện tích. Xây dựng cơ cấu giống thanh long ruột trắng, ruột đỏ, thanh long vỏ vàng phù hợp nhu cầu thị trường. Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, ứng dụng kỹ thuật trồng thanh long theo dàn chữ T, tưới nước tiết kiệm, sử dụng đèn chuyên dụng điều khiển ra hoa; đốn tỉa và xử lý cành đốn trên cây thanh long. Từng bước hình thành các vùng sản xuất thanh long theo thị trường xuất khẩu có chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,...) và cấp mã số vùng trồng. Tổ chức liên kết giữa vùng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long.

Đối với cây na, địa phương này sẽ ổn định diện tích trên 300 ha, sản lượng trên 1.900 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) đạt 140 ha. Tập trung ở các huyện: Yên Sơn và Sơn Dương. Cơ cấu tỷ lệ diện tích thu hoạch chính vụ 70% diện tích, rải vụ thu hoạch 30% diện tích. Đẩy mạnh sử dụng các giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ. Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, nhân giống na phục vụ sản xuất. Áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật đốn tỉa, xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch, thụ phấn bổ sung để sản xuất na trái vụ, cơ giới hóa, bón phân, tưới nước tiết kiệm và phòng trừ sâu bệnh...

Diện tích cây hồng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh là trên 200 ha, sản lượng trên 1.400 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 100 ha. Tập trung ở các huyện: Yên Sơn và Chiêm Hoá. Tăng cường bón phân hữu cơ, che tủ đất, vít cành, tưới nước chủ động, phòng trừ sâu bệnh nhằm tăng năng suất và chất lượng quả. Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, đảm bảo cung cấp giống chất lượng phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, Tuyên Quang duy trì diện tích cây lê trên trên 100 ha, sản lượng trên 500 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 40 ha. Tập trung ở huyện Na Hang. Tăng cường bón phân hữu cơ, vít cành, tưới nước tiết kiệm và phòng trừ sâu bệnh nhằm tăng năng suất và chất lượng quả, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái vùng cây ăn quả. Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, đảm bảo cung cấp giống chất lượng phục vụ sản xuất.

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy suất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường về cây ăn quả...

thanh-1686191679.jpg
Thanh long là một trong những nhóm cây ăn quả được Tuyên Quang chú trọng xây dựng vùng trồng tập trung.

Phát triển các liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với phát triển du lịch đối với các sản phẩm cây ăn quả đặc sản, sản phẩm tiềm năng như cây hồng không hạt tại xã Hồng Thái, xã Đà Vị (huyện Na Hang), xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn ) và xã Bình Phú, xã Yên Lập (huyện Chiêm Hoá); cây lê tại xã Hồng Thái (huyện Na Hang);…

Củng cố, xây dựng 30 liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả (05 liên kết cấp tỉnh và 25 liên kết cấp huyện) với diện tích trên 6.500 ha, nâng tỷ lệ tiêu thụ theo liên kết đạt trên 35% sản lượng cây ăn quả. Tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cam tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hoá; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên.

Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất cây ăn quả chủ lực, cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao dựa trên nền tảng dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống cây trồng đóng trên địa bàn tỉnh (Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên sản xuất giống cam, giống bưởi; Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất giống chuối, thanh long,…) đầu tư nâng cấp, sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, phục tráng, khai thác nguồn gen đặc sản của tỉnh tạo ra giống mới chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Xây dựng mô hình cây ăn quả ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy trình tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật thụ phấn bổ sung, xử lý ra hoa, đậu quả (trên cây na, cây bưởi,…); mô hình thâm canh bền vững; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức cây trồng tổng hợp (IPHM); sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,…; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,…nhằm chuyển giao và nhân rộng kỹ thuật tiến bộ cho người sản xuất cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao; giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng.

Chú trọng xây dựng nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Tổ chức quản lý và phát triển nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ (Chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên tại huyện Hàm Yên và Chỉ dẫn địa lý bưởi Soi Hà tại huyện Yên Sơn). Đối với thị trường trong nước: Xây dựng hình ảnh sản phẩm cây ăn quả đặc sản vùng miền. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, gắn với chỉ dẫn địa lý; hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng...