Thanh Hóa:

Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
xay-dung-nong-thon-moi-1-1713671492.jpg
Những năm qua, Thanh Hóa tích cực tích tụ đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị...

Tích tụ đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Tại Thanh Hóa, nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ngày 11/1/2019, tỉnh này đã ban hành Nghị quyết số 13 –NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Coi đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tạo động lực quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau 5 năm triển khai, thực hiện, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 46,3 nghìn ha. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt hơn 18,5 nghìn ha; chăn nuôi 9.500ha; thủy sản 3.400ha; lâm nghiệp 15.000ha...

Qua việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, một số liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất giá trị cao đã được hình thành như hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, TP. Thanh Hóa... đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất thông thường, lợi nhuận cao hơn từ 30-50 triệu đồng/ha.

Hay như mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân,... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dược liệu (huyện Triệu Sơn) cho thu nhập 400 triệu/ha/năm...

Dù mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng đến nay, việc tích tụ đất nông nghiệp tại Thanh Hóa còn diễn ra chậm, chưa đồng bộ. Do tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân cũng khiến nhiều hộ thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, sản xuất bỏ vụ nhưng cũng không cho tổ chức cá nhân khác thuê lại đất để sản xuất.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy các xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để chuyển từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, không bền vững, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, đạt năng suất, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Từ đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của nhân dân, đặc biệt là nông dân trong quá trình triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên phải tích cực, gương mẫu đi đầu.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Để ngành nông nghiệp thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khíc các hộ dân tích cực ứng dụng công nghệ thông minh vào trong sản xuất, đạt được kết quả cao. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.

Đặc biệt, từ khi Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ giai đoạn 2022-2030 đã tạo ra cuộc thi đua sôi nổi trong các địa phương về đầu tư ứng dụng công nghệ thông minh vào trong sản xuất.

nong-thon-moi-2-1713671624.jpg
Vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng tại Thanh Hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.600ha cây trồng đã được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Trong đó, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel chiếm gần 64% diện tích. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả đã thực hiện dán tem QR-Code để người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet tra cứu các thông tin về sản phẩm.

Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 61 trang trại áp dụng công nghệ cao, thông minh và đồng bộ trong chăn nuôi, như: hệ thống chuồng trại khép kín, sử dụng hệ thống dàn mát, máy ép tách phân trong xử lý môi trường và sử dụng hệ thống máng ăn tự động, phần mềm quản lý dịch bệnh...

Tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... nhiều mô hình sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn, ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm. Đây là những mô hình nông nghiệp hiện đại, được lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động...

Ghi nhận tại huyện Nga Sơn, là một trong những địa phương tiên phong áp dụng khoan học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, từ năm 2017 đến nay nhân dân các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng được 28,7ha nhà kính nhà lưới sản xuất rau củ quả an toàn. Tập trung chủ yếu ở các xã:Nga Thành, Nga Yên, Nga Hải, Nga Phượng, Nga Giáp, Nga Thắng.

Ông Mai Văn Luân, thôn Yên Lộc, xã Điền (huyện Nga Sơn) cho biết: “Sau khi được chính quyền khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư gần 3.200m2 nhà màng nhà lưới và lắp đặt các hệ thống tưới tự động để sản xuất dưa vàng. Mỗi năm luân canh 3 vụ, trừ chi phí nhà tôi thu hơn trăm triệu/năm”.

Ngoài tập trung đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, tại các xã giáp biển, với lợi thế phát triển về nghề nuôi tôm. Những năm qua các hộ dân đã chủ động đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ VietGAP cho năng xuất cao.

Hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 4.100ha diện tích nuôi tôm, trong đó, tôm sú diện tích nuôi 3.450 ha, sản lượng 700 tấn. Tôm thẻ chân trắng thâm canh diện tích nuôi 585 ha, sản lượng hơn 11.300 tấn tấn, tập trung ở các địa phương như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn…các hộ nuôi đang chuyển dần sang nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình kỹ thuật hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn trong nuôi tôm an toàn thực phẩm.

Theo dự kiến, đến năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đạt 3.500ha diện tích sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao. Trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000 ha trở lên, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đạt tiêu chuẩn công nghệ cao từ 60 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt 700 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học hiện đại vào trong sản xuất, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 20/2021-NQ-HĐND, Ban hành Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.

Hà Khải