Khối doanh nghiệp FDI khởi sắc từ đầu năm 2023

Trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp FDI được đánh giá là tích cực, trở thành động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh nhiều lĩnh vực quan trọng khác rơi vào tình thế "trầm lắng".
von-1-1692182320.jpg
Lượng vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp FDI vào đạt 11,58 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023.

Dự báo, hoạt động của lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp đà khởi sắc trong thời gian tới, góp phần đắc lực vào tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20/7 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng năm 2023 đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu trên thể hiện sự đảo chiều, bứt phá khá rõ nét mang tính tích cực so với các tháng trước (kết quả thu hút vốn FDI 3 tháng đầu năm giảm 19,3%; 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; 5 tháng đầu năm giảm 7,3%; 6 tháng đầu năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022). Ngoài ra, số dự án cấp phép mới tăng 75,5%, vốn đầu tư đăng ký cấp mới tăng 38,6% cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Sức hấp dẫn của Việt Nam vẫn được duy trì trong mắt nhà đầu tư quốc tế, mặc dù đang diễn ra làn sóng điều chỉnh lại chiến lược cũng như thu hẹp hoạt động đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Điều này cho thấy những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cải thiện môi trường đầu tư cũng như phản ứng chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng tạo ra lợi thế đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhất là khi thuế suất đã trở thành thế mạnh, duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc đua tiếp nhận dòng vốn quốc tế.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, nỗ lực đáng kể nhất là Việt Nam luôn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thế mạnh ổn định về chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đang rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó có những giải pháp rất đúng đắn và kịp thời gồm kiềm chế lạm phát có hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Việc giới đầu tư nước ngoài quyết định đến Việt Nam giữa lúc dòng vốn suy giảm trên diện rộng do suy thoái kinh tế toàn cầu mang lại triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Gia Bảo