Việt Nam-Pháp hợp tác chặt chẽ trong chăn nuôi

Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội vừa phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm của Pháp - động lực tạo sự cạnh tranh và tính bền vững cho ngành chăn nuôi”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các giải pháp của Pháp trong lĩnh vực chăn nuôi, cũng như tạo cơ hội tăng cường trao đổi hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Đồng thời, hội thảo giúp tăng cường trao đổi các thực hành tốt để thiết lập di truyền hiệu suất cao, đi kèm với việc theo dõi đầy đủ chế độ ăn uống và sức khỏe của động vật, với mục tiêu kép về sự cạnh tranh và tính bền vững.

Tại Việt Nam cũng như Pháp, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: Việc nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, cho phép họ vừa đảm bảo nguồn thu nhập đáng kể, vừa có thể chinh phục các thị trường mới có lợi hơn.

a3885b68bc69fcb5e2e1dd22d5d1bdf2-1662340402.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Việc sử dụng kháng sinh một cách hợp lí. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã được coi là một mối đe dọa cho sức khỏe con người.

Việc sử dụng kháng sinh một cách hợp lí trong chăn nuôi cũng là một động lực để thúc đẩy xuất khẩu trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.

Tính bền vững của các ngành hàng, đặc biệt bằng cách giảm thiểu tác động đến môi trường, ưu tiên các chuỗi giá trị ngắn và tích hợp giữa trồng trọt-chăn nuôi.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Phạm Ngọc Mậu, Vụ Phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973.

Trong gần 50 năm qua, Việt Nam và Pháp đã chuyển từ quan hệ truyền thống sang đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, an toàn thự phẩm…

Cho đến nay, đầu tư trực tiếp của Pháp đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn của EU, đứng 16/140 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Mậu cũng cho rằng, Pháp là quốc gia hàng đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nền chăn nuôi Pháp cũng được công nhận rộng rãi về chất lượng vì có nhiều giống vật được chọn lựa kĩ lưỡng, chế độ ăn được theo dõi sát sao và phúc lợi động vật được đảm bảo trong suốt chu kì sản xuất.

“Tôi tin tưởng rằng, hội thảo sẽ rất ý nghĩa với ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, đặc biệt là sự chia sẻ kinh nghiệp của Pháp sẽ giúp cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp học tập, áp dụng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, công nghệ cao”, ông Mậu nhấn mạnh.

z3684164361458-70a57cca50fd6b489c94f52be954ea2a-1661905804-1662340402.jpg
Ông Phạm Ngọc Mậu, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế phát biểu tại hội thảo

Bà Cécile Vigneau, Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán Pháp cho biết: "Một nền chăn nuôi bền vững và có khả năng chống chịu cao đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu. Việc trung hòa các-bon trong nông nghiệp sẽ không thể đạt được nếu thiếu sự vào cuộc của ngành chăn nuôi do đó, chúng ta phải phát triển các cách thực hành hiệu quả nhằm làm giảm tác động của chăn nuôi đến khí hậu".

Hội thảo này đánh dấu mong muốn chung của Pháp và Việt Nam trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước. Sự hợp tác này sẽ được tiếp nối bằng các trao đổi mới ngay trong tháng 11 tới, cụ thể là chuyến thăm Việt Nam của các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.

Cho đến nay, đầu tư trực tiếp (FDI) của Pháp vào Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn FDI của EU đang đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.

“Với năng lực vượt trội của mình, nhiều công ty Pháp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, năng lượng sạch, quản lý chất thải, vận tải hàng hải và hậu cần”, ông Mậu nói.

Với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với tiềm năng to lớn của hai nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Pháp đang xếp thứ ba trên tổng số 26 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp đã có dự án đầu tư tại 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Hiện nay, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp, thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nền chăn nuôi Pháp từ lâu đã được công nhận rộng rãi về chất lượng các giống vật nuôi được chọn, cũng như sự theo dõi sát sao về chế độ ăn uống và phúc lợi động vật trong suốt chu kỳ sản xuất.

Những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực chăn nuôi rất hữu ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, xây dựng nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao.

Ông Phạm Ngọc Mậu cho rằng: "Buổi hội thảo đã tạo nên một không khí sôi nổi giữa các khối nhà nước và tư nhân của hai nước. Chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng trong việc đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đặc biệt trước bối cảnh đã tham gia các FTA buộc Việt Nam phải hoàn thiện cơ chế chính sách tạo hành lang và tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp".