Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Tây Ban Nha

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2022 Tây Ban Nha nhập khẩu cà phê từ thị trường thế giới đạt 376,45 nghìn tấn, trị giá 1,37 tỷ EUR (tương đương 1,46 tỷ USD), tăng 11% về lượng và tăng 47,5% về trị giá so với năm 2021.

Giá nhập khẩu bình quân cà phê Tây Ban Nha lên đến 3.650 USD/tấn, tăng 32,9% so với năm 2021 và là mức cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2022; trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha từ hầu hết các nguồn cung tăng, ngoại trừ Hà Lan.

Đặc biệt, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất (tính theo lượng) cho Tây Ban Nha, đạt 113,55 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 269 triệu EUR (tương đương 287 triệu USD), tăng 21,6% về lượng và tăng 78,9% về trị giá so với năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thị trường thế giới tăng từ 27,53% trong năm 2021 lên 30,16% trong năm 2022.

Tây Ban Nha giảm nhập khẩu cà phê từ Indonesia trong năm 2022, giảm 23,2% về lượng, nhưng tăng 12,5% về trị giá so với năm 2021, đạt 20,5 nghìn tấn, trị giá 46,95 triệu EUR (tương đương 50,11 triệu USD). Thị phần cà phê của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thị trường thế giới giảm từ 7,87% trong năm 2021 xuống 5,45% trong năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong khối EU, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 7 và đối tác nhập khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 (là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay). Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 2,96 tỷ USD, tăng 16,34% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tây Ban Nha đạt 572,69 triệu USD, giảm 1,59% so với năm ngoái.

Đặc biệt, quan hệ song phương hai quốc gia có nền tảng tốt đẹp và nhiều triển vọng phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định, năng động ở mỗi nước cũng như vị trí và vai trò của hai nước trong khu vực. Đây chính là trụ cột và động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên một tầm cao mới.

1-2021-03-14t154736200-1679063137.jpg

Các chuyên gia đánh giá cao chất lượng cà phê tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhận định từ các chuyên gia, hợp tác thương mại song phương đã duy trì đà tăng trưởng tốt trong 8 năm qua và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã tạo xung lực mới, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên bật tăng mạnh từ tháng 8/2020 khi gần như 100% dòng thuế xuất nhập khẩu về 0% theo lộ trình từ 7 đến 10 năm.

Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2022 - 2025, phân khúc cà phê của Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng trưởng 6,84%. Khảo sát tại thị trường Tây Ban Nha cho thấy, có tới 87% dân số nước này trong độ tuổi từ 18-64 uống càphê và 70% uống cà phê hàng ngày.

Mức trung bình là 2,2 cốc/ngày và địa điểm ưa thích là ở nhà 61%, tiếp theo là quán bar hoặc nhà hàng 26% và nơi làm việc 21%. Hơn nữa, thông tin từ https:// www.statista.com cho thấy, phân khúc cà phê của Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng trưởng 6,84% trong giai đoạn 2022- 2025.

Để nắm bắt cơ hội tăng cường xuất khẩu cà phê sang Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng, các địa phương và hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Thương vụ tổ chức các tọa đàm giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội ngành hàng của hai nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức các đoàn doanh nghiệp với thành phần là các nhà nhập khẩu, phân phối và siêu thị lớn của Việt Nam sang kết nối, trao đổi hàng hóa trực tiếp song phương với các đối tác tại Tây Ban Nha.

Mặt khác, các địa phương, hiệp hội cung cấp cho Thương vụ danh sách các doanh nghiệp cũng như bản giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh tương ứng để Thương vụ có cơ sở dữ liệu hỗ trợ việc kết nối giao thương một cách thường xuyên tại các sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư thời gian tới. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan tháng 02/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với tháng 01/2023, so với tháng 02/2022 tăng 43,5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 342,3 nghìn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 02/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.174 USD/tấn, giảm 0,2% so với tháng 01/2023 và giảm 5,7% so với tháng 02/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Bỉ, Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: Algeria, Hà Lan, Mexico, Nga, Italy.…

Thi Nguyên (t/h)