Việt Nam chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư

Với nhiều kết quả tích cực đã đạt được, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể, nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.
fdi-1-1697446924.jpg
Việt Nam chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả, triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhiều nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Để tăng cường thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án. Chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó, chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư.

Với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng khuyến nghị, cần tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. Tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự thịnh vượng chung cho hai bên.

Đồng thời, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hương Lan