Việt Nam cần chủ động trên thị trường các bon nhằm phát huy lợi thế tài nguyên rừng

Việc đánh giá, đo đạc và cấp tín chỉ các bon tại nước ta hiện dựa hoàn toàn vào tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, rà soát giữa quốc tế và trong nước có thể tồn tại những độ vênh nhất định.
trai-phieu-xanh-02-1712216471.jpg
Với đơn giá 5 USD/tín chỉ (tương đương ERPA), Việt Nam có thể thu về từ 200-300 triệu USD, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.(Ảnh minh họa)

Cần chủ động tham gia thị trường tín chỉ các bon

Thông tin từ Cục Lâm nghiệp cho biết, đơn vị đang triển khai thành lập hồ sơ cấp tín chỉ các bon rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, gồm tài liệu đăng ký và báo cáo tín chỉ giảm phát thải cho năm 2021 và 2022. Sau khi xin ý kiến của Bộ NN&PTNT, Cục tiếp tục hoàn thành thủ tục để ký thỏa thuận hỗ trợ với Cục Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy để tiến hành thẩm định, xác minh hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ.

Trước đó, Tổ chức Emergent đã ký Ý định thư với Bộ NN&PTNT. Trong năm 2023, tổ chức này đã khảo sát, đánh giá chuyên sâu và lựa chọn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam làm trung gian tài chính để triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Thỏa thuận này được ký giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), đồng thời, IBRD đã chuyển giao lại cho Bộ NN&PTNT khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Xác định thị trường tín chỉ các bon là một hướng đi bền vững cho ngành lâm nghiệp, các đơn vị đã tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực mới mẻ này. Trong đó, Đại học Lâm nghiệp đã triển khai các lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý tín chỉ các bon rừng.

trai-phieu-xanh-01-1712216455.jpg
Tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị lâm nghiệp có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.(Ảnh minh họa)

Tham mưu thêm về vấn đề này, ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, rằng việc đánh giá, đo đạc và cấp tín chỉ các bon tại nước ta hiện dựa hoàn toàn vào tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, rà soát giữa quốc tế và trong nước có thể tồn tại những độ vênh nhất định.

Ông Đồng thông tin, một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Indonesia và Thái Lan đã thành lập một số tổ chức cấp tín chỉ các bon, phù hợp với thông lệ quốc tế và được chấp thuận. Trên cơ sở này, ông kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tạo điều kiện để thành lập những tổ chức trong nước đủ thẩm quyền cấp tín chỉ các bon.

"Tương tự như chứng chỉ rừng, Việt Nam đã chủ động thành lập Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO), đến nay đã được nhiều tổ chức quốc tế như PEFC công nhận. Tôi cho rằng, điều tương tự có thể làm với tín chỉ các bon", ông Đồng bày tỏ.

Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ các bon rừng. Điều tra của Cục Lâm nghiệp cuối năm 2023 cho thấy, cả nước có thể đang dự trữ 50-70 triệu tín chỉ. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ (tương đương ERPA), Việt Nam có thể thu về từ 200-300 triệu USD, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế một số địa phương hiện còn vướng về vấn đề này. Chẳng hạn, Quảng Nam là tỉnh có độ che phủ rừng gần 60%, thuộc tốp đầu cả nước. Cách đây 3 năm, tỉnh được lựa chọn để triển khai Kế hoạch thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+). Nhưng đến giờ, kế hoạch chưa được Chính phủ phê duyệt.

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam nêu một số khó khăn như: Tỉnh phải đạt được thỏa thuận hợp đồng thu mua tín chỉ các bon rừng với giá không thấp hơn 5 USD/tín chỉ; Nhà đầu tư phải cung cấp tài chính trước; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ ràng cách tiếp cận kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ REDD+.

Vì vậy, dù được Thủ tướng cho phép được lựa chọn nhà đầu tư để hợp tác, đến nay Quảng Nam vẫn chưa chốt được phương án, dù có tới 5 tổ chức quốc tế tiếp cận.

Ngành nông nghiệp đang nỗ lực mạnh mẽ bắt nhịp xu thế thị trường các bon

Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ các bon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Theo đó, các quốc gia phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ các bon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Trong số 60 quốc gia có khả năng tham gia thị trường tín chỉ các bon, Việt Nam kịp chen chân vào vị trí thứ 15. Hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn tham gia vào thị trường giàu tiềm năng này, nhưng do thiếu kinh nghiệm và chưa bảo đảm nguồn lực về kỹ thuật, tài chính nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, vừa qua ông đã làm việc với đoàn công tác của JICA đề nghị hỗ trợ để Việt Nam nhanh chóng thực hiện chi trả REDD+ cho các tỉnh tại Tây Bắc, Đông Bắc và Nam Trung bộ.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói thêm, rằng toàn ngành đang chuyển động vô cùng mạnh mẽ, ngay từ đầu năm 2024, thể hiện rõ qua việc nhiều đề án, quyết định về lâm nghiệp được ban hành sớm, tạo khí thế mới cho những người làm lâm nghiệp. Song song với đó, giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, xấp xỉ với năm kỷ lục 2022. Tốc độ phát triển rừng, khai thác gỗ rừng trồng, thu dịch vụ môi trường rừng ổn định, theo đúng kế hoạch đặt ra.

trai-phieu-xanh-03-1712216623.jpg
Trong số 60 quốc gia có khả năng tham gia thị trường tín chỉ các bon, Việt Nam kịp chen chân vào vị trí thứ 15. (Ảnh minh họa)

Về tín chỉ các bon, Thứ trưởng đánh giá cao thành quả đã làm được trong năm 2023, đặc biệt là việc chuyển giao hơn 10 triệu tín chỉ tại Bắc Trung bộ. Ông lưu ý thêm, rằng vẫn còn một bộ phận hiểu chưa đúng về giá bán 5 USD/tín chỉ. Đây là giá bán theo hình thức tự nguyện, nên thấp hơn giá theo hình thức bắt buộc.

Qua khảo sát ở một số quốc gia đã bán tín chỉ các bon theo hình thức tự nguyện, mức trung bình khoảng 3,8 USD/tín chỉ. Một số nơi bán thấp hơn, khoảng 2,5 USD/tín chỉ, cũng có nơi bán với giá 7 USD/tín chỉ.

"Mức giá 5 USD được xây dựng từ những năm 2018, theo khảo sát lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi đem so sánh với giá thị trường hiện nay, con số ấy vẫn hoàn toàn chấp nhận được", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Qua vấn đề tín chỉ các bon, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu các đơn vị lâm nghiệp tổ chức giao ban khối định kỳ và bài bản hơn, nhằm phối hợp đồng bộ, giải quyết tất cả các vấn đề trong ngành một cách nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng thông tin bị sai lệch như thời gian qua.

Ông đồng tình với đề xuất của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, về việc tự chủ nghiên cứu, đánh giá và sớm thành lập tổ chức trong nước đủ khả năng cấp tín chỉ các bon theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, chỉ đạo Cục Lâm nghiệp, Văn phòng 809 (thường trực thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 2021 - 2025) xây dựng dự thảo về tiêu chuẩn tín chỉ các bon, và sớm có báo cáo cụ thể trình Bộ NN&PTNT./.

Trọng Bình