Về lại miền xanh trong ký ức

Đoàn cựu chiến binh quân khu I khu vực Cầu Giấy, Cầu Diễn có chuyến về thăm lại đơn vị cũ. Nói là xanh bởi những đơn vị chúng tôi từng phục vụ đều gần gũi với thiên nhiên, gần rừng, gần hồ, gần suối, cái nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Vâng, nơi đó tràn đầy kỷ niệm của tuổi trẻ, cái tuổi mãi xanh của chúng tôi.
img-5638-1657877982.jpg
Trung tướng chính ủy quân khu tiếp đoàn tại nhà khách Bộ Tư lệnh

Tôi có cả thảy 22 năm gắn bó với Quân khu I, từ Trung đoàn 246, 304B và hơn chục năm ở cơ quan quân khu. Các anh trong đoàn cũng vậy, đều có thâm niên dằng dặc với mảnh đất có ngọn núi hình con voi này. Trừ đại tá Nguyễn Văn Thước Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Yên (Bắc Giang) và anh Hoàng Văn Dây Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn công binh, còn 7 anh em chúng tôi đều công tác ở các cơ quan quân khu.

Đại tá Lê Quang Lợi, cựu Trưởng ban Thanh niên quân khu; Phạm Văn Sơn cựu Trưởng phòng Quân nhu, đại tá Vũ Đình Vàng, Cục Hậu cần quân khu. Đến phút chót anh Vũ Quang Quy, cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân khu không đi được, chị Hà phòng quân y, chị Hảo diễn viên đoàn văn công đều háo hức trở lại thăm cơ quan cũ. Anh Trịnh Minh Tâm sỹ quan quân báo rời bộ tham mưu quân khu từ năm 1988 bồi hồi nhớ những ngày chuyển từ quân khu II về quân khu I.

Về thăm lại nơi mình đã gửi lại một thời tuổi trẻ, ngoài ôn lại kỷ niệm chúng tôi còn mong muốn góp một chút gì đó về kinh nghiệm để xây dựng đơn vị chính quy và hiện đại. Mặc dù rất bận song trung tướng Dương Đình Thông Chính ủy Quân khu I đã dành cho chúng tôi một thời gian đáng kể. Trung tướng đã khái quát tình hình các địa phương và lực lượng vũ trang quân khu trong thời gian vừa qua. Chúng tôi thật tự hào về bước phát triển về mọi mặt của quân khu. Tôi thay mặt nhà văn Đặng Vương Hưng tặng tủ sách văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” do nhà văn (cũng là cựu chiến binh của quân khu) chủ biên.

Rời văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu, chúng tôi lên Đoàn an dưỡng 16 trên Hồ Núi Cốc. Cũng là một công đôi việc, lãnh đạo quân khu bố trí cho chúng tôi có một ngày thư giãn bên hồ, đồng thời cũng để chúng tôi tìm hiểu về không gian, lợi thế khi tham gia phát triển du lịch của đoàn trong thời đại hội nhập. Chúng tôi đi tàu quanh hồ một vòng và cảm nhận đầy đủ không khí của khu hồ huyền thoại, nước xanh, rừng xanh, một miền sơn thủy yên tĩnh, mộng mơ rất phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

img-5656-1657878090.jpg
Thăm Hồ Núi Cốc, khu du lịch nổi tiếng ở Thái Nguyên

Ngày 3-6-1957, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh 017/SL thành lập các Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4. Liên khu Việt Bắc đổi thành Quân khu Việt Bắc, nay là Quân khu I. Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, ngày 16-3-1959, Đội An điều dưỡng 16, thuộc Phòng Chính trị Quân khu I được thành lập, với nhiệm vụ tổ chức đón tiếp, nuôi dưỡng, phục hồi, nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ, ở các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu và các đơn vị đóng quân trên địa bàn.

Đoàn An điều dưỡng 16 không chỉ được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định mà còn được đầu tư khá bài bản nên hội trường, phòng nghỉ, tàu thuyền, cảnh quan được cải thiện đáng kể, phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên đã thích ứng được với tình hình mới. Rất nhiều hội thảo, hội nghị cả quân sự và dân sự đã được tổ chức ở đây. Hiện nay, Đoàn có tổng số 140 phòng nghỉ, có thể phục vụ được 280 lượt người/đợt; bến tàu phục vụ khách tham quan, du lịch trên Hồ Núi Cốc gồm 3 tàu thủy, 1 ca nô; hằng năm đón, phục vụ trên 10.000 lượt khách/năm đến nghỉ dưỡng, tham quan du lịch.

Con tàu đưa chúng tôi du ngoạn trên mặt nước hơn 1 giờ đồng hồ, ngắm nhìn toàn cảnh Hồ Núi Cốc với các đảo lô nhô đem lại cảm nhận thú vị và sảng khoái. Cả tỷ mét khối nước của hồ được hình thành bởi hàng trăm khe lạch, bồi tụ linh khí của đất trời, cỏ cây, từ dãy Tam Đảo hướng về phía Đông mà tuôn chảy. Rồi bỗng đến chân Núi Cốc, dòng nước ấy được hàng vạn con người đắp đập, ngăn dòng để tạo thành vùng nước mênh mang rộng lớn tới 2.500ha với 89 hòn đảo như những cù lao đủ kích cỡ.

Mỗi hòn đảo trên Hồ Núi Cốc mang một cái tên khác biệt. Bên cạnh những cái tên mộc mạc do người dân địa phương tự đặt như Đảo Khỉ, Đảo Cò, Đảo Rắn, Đảo Dê còn có những cái tên rất hiện đại như Mỹ Nhân, Nam Phương, Kim Bảng, Long Hội. Dù mang tên mộc mạc hay mỹ miều thì mỗi đảo đều đem lại cho du khách những cảm nhận mới lạ, lý thú về dáng vẻ, độ cao thấp, rộng hẹp, thảm động thực vật phong phú. Mỗi người có cảm nhận riêng về cái đẹp, với tôi, Hồ Núi Cốc thực sự đẹp cả trong huyền thoại hay thực tại và mai này các nhà đầu tư có dự án mới về du lịch nên trân trọng mọi giá trị của danh thắng đã được tạo dựng bởi tự nhiên và sức người qua nhiều thế hệ.

Đồng chí Đoàn phó chia sẻ với chúng tôi, mặc dù còn phải hoàn thiện cơ chế, quy định, song đoàn đã đề xuất, tham mưu với cấp trên chủ động khai thác lợi thế, để tham gia dịch vụ du lịch, tránh lãng phí cơ sở vật chất và đáp ứng với xu thế chung. Là người có tham gia nghiên cứu về du lịch và kinh tế du lịch tôi thấy Đoàn 16 có lợi thế rất lớn trong quá trình phát triển, nhưng chưa nắm chắc tất cả các dữ liệu nên cũng chưa có ý kiến thật thiết thực với Đoàn, với Quân khu.

Trước khi về Hà Nội, đoàn chúng tôi đến thăm Lữ đoàn cao xạ 210. Đây là đơn vị được thành lập trên mảnh đất Thái Nguyên từ năm 1959 với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời thủ phủ Khu Tự trị Việt Bắc, là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 999 và 1.000 của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Trải qua hơn 60 năm, Lữ đoàn đã cơ động tham gia chiến đấu khắp mọi miền tổ quốc, cả chiến trường Lào, Campuchia, đã tham gia hàng nghìn trận đánh, bắn rơi 66 máy bay Mỹ. Hàng trăm liệt sỹ đã hy sinh khi bảo về bầu trời Khu Công nghiệp gang thép Thái Nguyên. Chỉ riêng thời gian trụ bám bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, 122 người con ưu tú của đơn vị đã nằm lại trên đất Can Lộc (Hà Tĩnh). Tháng 7 về, chúng tôi thắp nén hương để tưởng nhớ các liệt sỹ tại Phòng Truyền thống của Lữ đoàn.

img-5673-1657878196.jpg
Ban chỉ huy lữ đoàn 210 tiếp chúng tôi trong nghĩa tình đồng đội

Với những thành tích ấy, Lữ đoàn đã được Đảng, Nhà nước, tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, cùng các danh hiệu cao quý khác. Tôi rất ấn tượng với “bảo tàng mi ni” của Lữ đoàn, một không gian chỉ vài chục mét vuông nhưng khái quát đầy đủ quá trình xây dựng và phát triển của một đơn vị anh hùng, hình ảnh, mô hình đều rất sống động, gần gũi. Các chiến sỹ mới trước khi huấn luyện được tham quan, giới thiệu về truyền thống của Lữ đoàn, từ đó khơi dậy niềm tự hào chính đáng để xây dựng quyết tâm nối gót cha ông, làm sao để bộ đội yêu đơn vị, luôn thoải mái, không áp lực, đó chính là cách thế hệ trước truyền lửa nhiệt tình cho thế hệ sau để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Đơn vị xây dựng trận địa luôn sạch, xanh, ngăn nắp như công viên, gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua thường xuyên với thi đua đột kích và các cuộc vận động lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Trong báo cáo tóm tắt của đồng chí Chính ủy Lữ đoàn, tôi rất tâm đắc với “vườn rau xanh” của đơn vị. Tăng gia tự túc để cải thiện bữa ăn cho bộ đội đơn vị nào cũng làm, nhưng nhiều nơi vẫn chỉ coi “được bao nhiêu hay bấy nhiêu” như kiểu thêm thắt cho có, nhưng Lữ đoàn 210 có chỉ tiêu rõ ràng, coi đây là một tiêu chí bình xét thi đua.

img-5707-1657878304.jpg
Phòng truyền thống của Lữ đoàn nơi lưu giữ những kỷ niệm hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành

Chúng ta làm để chúng ta ăn, dứt khoát phải là sạch, phải là tốt. Hy vọng ngoài luyện tập, thể thao, hoạt động văn hóa, bộ đội tìm thấy niềm vui khi chính tay mình chăm bón từng luống rau, củ, quả. Đơn vị đã thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong công tác tăng gia sản xuất, bảo đảm đời sống, đơn vị tự túc 100% thịt, cá, gia cầm và các loại rau xanh, giá trị thu từ tăng gia sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Lữ đoàn luôn chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó với cấp ủy, chính quyền, nhân dân và đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân, thực hiện hiệu quả các phong trào: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào LLVT Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới, quan tâm chăm lo gia đình chính sách, để lại nhiều tình cảm sâu sắc, ấn tượng tốt đẹp về người chiến sĩ Phòng không trên quê hương Việt Bắc.

Lữ đoàn trưởng, Chính ủy, chỉ huy các phòng ban tiếp chúng tôi nhiệt tình và chân thành. Nhìn từ một đơn vị cụ thể chúng tôi cảm nhận được bước tiến dài của lực lượng vũ trang quân khu, ngoài cơ sở vật chất, đời sống không ngừng được cải thiện, ý thức và tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu ngày một nâng cao và chúng tôi tự hào về các thế hệ kế tiếp. Ngồi xe về Hà Nội chúng tôi vẫn bâng khuâng một cảm nhận xuyên suốt về tình đồng chí, đồng đội, về tình cảm thế hệ sau dành cho mình./.

Nguyễn Văn Tông