Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực

Tổng kết những năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ IX, X,XI,XII,XIII đã rút ra bốn bài học chủ yếu, trong đó bài học hàng đầu là phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
anh-tham-luan-1663039399.jpg
Hội thảo về đào tạo nhân lực ngành Du lịch

Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại” Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83.

Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã khẳng định: “Nhìn lại hai mươi năm đổi mới, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.. Báo cáo cũng nêu rõ: “Công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta vẫn còn dưới mức khả năng phát triển của đất nước, hoạt động kinh tế xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập”, “Nước ta vẫn trong tình trạng kém phát triển. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và các nước trên thế giới vẫn tồn tại” Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do “chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp” Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.. Muốn cho đất nước phát triển ổn định và bền vững, điều quan trọng nhất là phải có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng của rất nhiều các nhân tố, đặc biệt là các nhân tố thuộc về tri thức, về con người đã và đang tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Nguồn nhân lực, với việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trở thành mối quan tâm hàng đầu và có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập đến “Chính con người, khi phát triển sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi hiện thực đó của mình cả tư duy lẫn sản phẩm tư duy của mình” V.I Lê nin: Toàn tập, t.18, tr.430.

Để trở thành chủ thể và yếu tố quyết định của nền sản xuất lớn thì con người phải có năng lực phát triển toàn diện, có trí tuệ và thể lực để tham gia vào quá trình sản xuất xã hội. Trình độ trí tuệ phản ánh qua trình độ học vấn và tài năng sáng tạo, nó biểu hiện ở khả năng vận động của trí lực, ở khả năng áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm chủ khoa học công nghệ… Để có được điều đó, cần có một quá trình đào tạo, bồi dưỡng tri thức cho người lao động - nguồn nhân lực để đảm bảo cho quá trình phát triển trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Người lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giành độc lập, tự do cho dân tộc, đã rất quan tâm đến đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về con người, về con người mới xã hội chủ nghĩa là một bộ phận quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển . Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.310.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước giành được độc lập, một trong những thứ giặc mà Bác nhắc đến phải diệt là “giặc dốt”. Xuất thân trong một gia đình nho học, giàu truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ tầm quan trọng của việc đào tạo và bồi dưỡng con người - đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ngay từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc xây, Bác đề nghị: “Tự do giáo dục, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”.

Trong điều kiện lúc đó, những trường như Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, trường Dục Thanh ở Phan Thiết… được mở ra nhằm góp phần mở mang dân trí, phản đối chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp. Bác chỉ ra “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta” và “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”... “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ…”.

Tháng 11 năm 1945, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc”, Người nhận định rằng “Chúng ta cần nhất bây giờ là kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục” Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tập 4, tr.99. Những “kiến thiết” đó cần có nguồn nhân lực dồi dào, cần có những con người có kiến thức, có hiểu biết. Để có nguồn nhân lực cho việc kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người nhắc nhở “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập (tháng 9 năm 1945), Bác có viết: “Ngày nay, các cháu được may mắn hơn cha anh là được hưởng một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các cháu nên những người công dân có ích cho nước Việt Nam,…”. Trong Nhật ký trong tù Bác viết “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có tầm quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực. Đó là một nền giáo dục đào tạo mới, chuẩn bị những con người mới cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục tiêu của nền giáo dục đào tạo mới là đào tạo “những người công dân có ích cho nước Việt Nam”, “những cán bộ cho dân tộc”, “những công dân tốt và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà”. Muốn cho dân mạnh, nước giàu thì dân trí phải cao, phải đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở trường vừa học vừa làm để tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ được đi học, đi đào tạo. Người yêu cầu phải quan tâm đến giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc ít người, các dân tộc cần đoàn kết thương yêu nhau, thi đua học tập, góp phần xây dựng quê hương.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo là phải chú trọng giáo dục đào tạo toàn diện. Người yêu cầu “phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động sản xuất”. Cần xây dựng tư tưởng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ Quốc và nhân loại”. Nội dung giáo dục phải toàn diện, phải nhằm mục tiêu đào tạo con người lao động mới, phải coi trọng cả tài lẫn đức.

Không những phải giàu về tri thức mà còn phải có đạo đức cách mạng. Theo Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố”. Nội dung giáo dục đào tạo phải “trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt”, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề trong quá trình xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Về phương pháp đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, “Học để hành”, “học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng”, học để trở thành người cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, … “Hồng” có nghĩa là phải có phẩm chất chính trị, có trình độ lý luận nhất định, có lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có lập trường giai cấp vô sản, có lòng tin vào sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Người chỉ ra: “Người cần có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính… Thiếu một đức thì không thành người” Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tập 5, tr.233. “Chuyên” có nghĩa là phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực hoạt động của mình, phải có kiến thức khoa học kỹ thuật, có văn hoá, có học thức. Tư tưởng giáo dục và phương pháp đào tạo của Người không chỉ phản ánh truyền thống quý báu của dân tộc ta mà còn phản ánh yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài của đất nước trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, muốn phát triển kinh tế, văn hoá của đất nước, bên cạnh việc phát huy nội lực, phát huy tiềm năng trong nước thì cần phải có sự mở rộng, giao lưu, hội nhập với các nền văn hoá khác; học tập tiếp thu những thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến của các nước trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam. C.Mác và Ph.Ăng ghen cũng chỉ ra: “những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc”.

Trên tinh thần học tập, tiếp thu văn hoá của nhân loại, ngay từ thời kỳ đầu của cách mạng Việt Nam, cả thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi các thanh niên trí thức Việt Nam sang học tập tại Trung Quốc, Liên Xô (cũ) và các nước XHCN (cũ) nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho đất nước, cho cách mạng Việt Nam.

Chủ trương gửi thanh niên, học sinh sang học tập ở các nước có nền văn hoá, khoa học kỹ thuật tiên tiến của Bác đã được Đảng và Nhà nước ta từng bước thực hiện. Đó là một trong những chính sách quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của nước ta. Chúng ta đã chuẩn bị được một nguồn nhân lực rất lớn có trình độ cao và tinh thần đạo đức cách mạng sâu sắc phục vụ cho công cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước. Quan điểm coi con người là nhân tố, là động lực quan trọng nhất trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về con người.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước, học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người, Đảng ta luôn quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời, Đảng ta hết sức coi trọng việc đào tạo con người mới, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Điều đó được thể hiện rõ trong các nghị quyết, các đại hội Đảng và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trong các nghị quyết đó đã đề ra phương hướng, mục tiêu, điều kiện, biện pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm xây dựng và phát triển toàn diện con người - nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội lần thứ VI của Đảng khi đề ra đường lối đổi mới đã hết sức coi trọng yếu tố con người, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động sáng tạo và khả năng của con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh: “Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động, thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới và thông qua quá trình xây dựng kinh tế - xã hội mà đào tạo, rèn luyện con người mới, hình thành những tập thể lao động mới. Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh, phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” Văn kiện Đại hội lần thứ VI, NXB Sự Thật, 4.1987, tr.113.

Đại hội lần thứ VII cũng đặc biệt nhấn mạnh tới nhân tố con người và việc phát triển con người về mọi mặt. Đại hội chỉ rõ: “Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh nhân tố con người và vì con người”. Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) khẳng định: “Công nghiệp hoá là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghiã xã hội”.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, điều quyết định là ở con người, với trí tuệ và năng lực càng cao, tất cả là do con người và vì con người. Đó là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nguồn nhân lực đó, Hội nghị đã nêu rõ, phải “bao gồm những con người có đức, có tài, ham học hỏi, thông minh, sáng tạo, làm việc quên mình vì nền độc lập và phồn vinh của Tổ Quốc, phải được chuẩn bị tốt về kiến thức văn hoá, được đào tạo thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp, về năng lực sản xuất kinh doanh, điều hành vĩ mô nền kinh tế và toàn xã hội, có trình độ khoa học kỹ thuật vươn lên ngang tầm thế giới” Xem Văn kiện Đại hội lần thứ VII, NXB Chính trị Quốc gia, 1994, tr.5.

Đại hội lần thứ VIII của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội khẳng định sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm mục đích phát triển toàn diện con người Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII về giáo dục và đào tạo, đã đề ra định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục tiêu: "Thực hiện giáo dục toàn diện đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục ở tất cả các bậc học; hết sức coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng nhân cách, khả năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành" Nghị quyết TW 2 (Khoá VIII), tr.15 , “phải lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Phải chăm lo tạo nguồn cán bộ trong phong trào thực tiễn và ngay trong các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề…” Xem Văn kiện Đại hội lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia, 1996, tr.54. Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi giáo dục, đào tạo là quốc sách, là mặt trận hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao”. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ gắn đào tạo với sử dụng, xây dựng cơ cấu nguồn lực hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, dân tộc, vùng miền…, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2025, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, có chính sách thu hút các nhà khoa học, công nghệ giỏi ở trong nước và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài…

Xuất phát từ quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và xây dựng con người với tư cách là mục tiêu, là động lực của sự phát triển và tiến bộ xã hội, Đảng ta coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách kinh tế xã hội, coi việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người là nhiệm vụ cấp bách, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Ths. Nguyễn Thị Phương Lan