Trồng mới gần 3.500 cây xanh tại các khu du lịch sinh thái ở Thanh Hóa

Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh trồng mới gần 3.500 cây lâm nghiệp nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ rừng.
trong-moi-rung-1698243015.jpg
Hoa hậu H' Hen Nie trong chuyến hành trình trồng mới rừng lim xanh tại Vườn quốc gia Bến En.

Thực hiện Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, trên cơ sở nguồn thu dịch vụ môi trường rừng năm 2023 từ các cơ sở sản xuất nước sạch, nước công nghiệp không xác định được lưu vực và đối tượng chi.

Năm 2023, Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ cây giống phục vụ trồng cây phân tán, cây cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái tại các địa phương, đơn vị trong lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ 3.470 cây giống lâm nghiệp cho các huyện Quan Hóa, Bá Thước và các đơn vị: Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông để trồng cây phân tán, cảnh quan phục vụ phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương.

Theo đó, Ban quản lý sẽ bám sát vào nhu cầu từng loại cây giống tại các địa phương, đơn vị để trồng phân tán tại các tuyến đường, công sở, trường học, nhà văn hóa, khu tái định cư, các điểm dân cư. Bên cạnh đó, Ban còn phối hợp với Trung tâm tư vấn phát triển khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa ký kết hợp đồng cung cấp cây giống để lựa chọn cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, cây có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như: giáng hương, hoa ban, long não, bằng lăng, muồng...

Những cây trồng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn về đường kính, chiều cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của từng khu vực. Tổ chức bàn giao đủ số lượng cây giống đến địa điểm trồng của các địa phương, đơn vị đã đăng ký. Ban quản lý Quỹ giao đơn vị cung cấp cây giống phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức cấp phát cây giống và khẩn trương tổ chức trồng cây, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây lâm nghiệp sau khi trồng để đảm bảo cây sống với tỷ lệ cao.

Ngoài ra, qua việc trồng mới rừng, các cơ quan đơn vị sẽ tuyên truyền cho người dân bản địa hiểu rõ giá trị của rừng và ý nghĩa của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây phân tán; tạo thói quen để cộng đồng tự giác tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Phối hợp với các doanh nghiệp nhằm tạo giúp bà con tạo kế sinh nhai từ rừng qua các mô hình như trồng nấm lim xanh, trồng các loại cây dược liệu quý... giúp hàng nghìn người dân địa phương phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao bộ mặt nông thôn.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa trồng mới được khoảng 32.700 ha rừng tập trung, nâng tổng số diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên 254.375 ha, độ che phủ rừng năm 2022 là 53,6%. Quá trình trồng rừng đã tăng cường việc sử dụng cây giống chất lượng cao ,, áp dụng biện pháp thâm canh nâng cao năng suất, do đó chất lượng trồng rừng ngày càng tăng lên. Đặc biệt trong năm 2022, tỷ lệ sử dụng giống cây keo mô vào trồng rừng tập trung đạt 34,1%. Năng suất rừng trồng khi khai thác một số loài cây lâm nghiệp mọc nhanh có thể đạt 16-18m3/ha/năm.

Diện tích rừng đặc dụng được bảo tồn, phát huy tối đa nguồn gen, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, đáp ứng yêu cầu duy trì cân bằng sinh thái và phát triển lâm nghiệp bền vững. Diện tích rừng phòng hộ được duy trì, bảo vệ nghiêm ngặt, chất lượng rừng ngày một nâng lên, góp phần giảm thiểu các tác hại của thiên tai, cải thiện môi trường, giảm phát thải. Việc tăng diện tích rừng trồng cũng đã góp phần tăng hấp thụ cacbon, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hà Khải