Trồng cây dược liệu ở Hà Giang vẫn còn nhiều gian nan

Trồng và sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan, du lịch và là hướng đi đúng đắn, khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại lợi nhuận cao, tăng tính ổn định.
m-1696381641.jpg
Chăm sóc cây dược liệu ở Quyết Tiến, Quản Bạ

Hiệu quả bước đầu

Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều loại dược liệu quý, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng nghìn tấn sản phẩm dược liệu như quế, hồi, thảo quả, hòe, địa liền, hương nhu, ích mẫu, đương quy, địa hoàng, bạch chỉ, bạc hà, bạch truật... Tuy nhiên, tình trạng phá rừng và khai thác tràn lan đang làm cạn kiệt nguồn dược liệu quý hiếm này và hiện nay.

Việt Nam phải nhập phần lớn dược liệu từ nước ngoài với giá cao hơn trong nước rất nhiều và chất lượng chưa được bảo đảm. Trong khi đó, người dân Việt Nam có truyền thống sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền và các bài thuốc dân gian để điều trị hoặc bồi bổ sức khỏe. Các đơn vị sản xuất dược hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu của người dân, nhất là dược liệu sạch và bảo đảm chất lượng.

Theo Viện Dược liệu - Bộ Y tế, trong tổng số 3.948 loài cây thuốc trong nước, có gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu trong rừng, chỉ có hơn 10% là cây thuốc trồng. Vì thế, việc đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu để trồng và sản xuất các loại dược liệu đặc sản đang được đặt ra, nhất là với các địa phương có điều kiện địa lý và khí hậu phù hợp. Ðể hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu thu hái tự nhiên và nhập khẩu, nhiều công ty dược trong nước đã và đang gây dựng những vùng nguyên liệu để chủ động trong việc phát triển nền đông dược hiện đại, đồng thời tạo điều kiện giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nhân lực, Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh triển khai dự án "Rau, hoa, cây dược liệu" tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ). Ðể triển khai dự án nói trên, công ty đã đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng, mở các lớp tập huấn kỹ thuật từ hai đến ba tháng cho người lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương...

Bên cạnh đó, công ty áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến xây dựng quy trình sản xuất các loại cây dược liệu quý, từ quy trình sản xuất cây giống và dược liệu thành phẩm đến các quy trình sản xuất cây dược liệu cho từng loại... Ðồng thời, xây dựng mạng lưới sản xuất, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy mô sản xuất 100 ha, khoảng 30 giống dược liệu đã được trồng, trong đó có 20 giống thuộc danh mục dược liệu khuyến khích sản xuất của Bộ Y tế.

Theo quan sát, những lớp đất nhiều đá, sỏi được làm tơi xốp và lên luống. Từ những hố nhỏ, từng khóm thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam... đã bén rễ, xanh tốt. Dù mới đi những bước đầu tiên, nhưng người dân và chính quyền địa phương đã có niềm tin vào thành công của dự án. Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Vân (dân tộc Tày) và chị Dương Thị Chuyên (dân tộc Nùng), công nhân của dự án, cho biết: Công việc hằng ngày của chúng tôi là nhổ cỏ, làm đất tơi xốp và lên luống, đào hố trồng cây. Không được dùng thuốc diệt cỏ hoặc thuốc trừ sâu vì ảnh hưởng đến chất lượng cây thuốc.

Quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu

Theo kết quả điều tra, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 1.000 loài dược liệu với tổng diện tích 7.939 ha, tiêu biểu như: thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện... Cây dược liệu được phân bố tại tất cả các huyện trong tỉnh, tập trung tại một số xã vùng cao: Lao Chải, Xín Chải (Vị Xuyên); Tả Ván, Tùng Vài, Thái An (Quản Bạ); Pờ Ly Ngài, Tả Sử Choóng, Ðản Ván (Hoàng Su Phì).

Thị trường tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang những năm gần đây khá sôi nổi, với nhiều chủng loại. Trong khi đó, việc quản lý, phát triển cây dược liệu chưa tốt; sự phát triển mang tính tự phát, thiếu định hướng phát triển bền vững; sản xuất chủ yếu phụ thuộc thị trường tiêu thụ, thiếu ổn định, phần lớn tiêu thụ qua đường tiểu ngạch sang các nước lân cận. Nhiều loài cây thảo dược phát triển tự nhiên, bị khai thác quá mức có nguy cơ tuyệt chủng như: củ khúc khắc, hà thủ ô, thiên niên kiện...

Từ quá trình khảo sát, trên quan điểm phát triển cây dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, dần hình thành các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý; tỉnh Hà Giang đã có định hướng phát triển cây dược liệu tới năm 2025.

Cụ thể: tiếp tục cải tạo, chăm sóc tốt 6.433 ha diện tích cây dược liệu hiện có; tiến hành trồng mới 10.000 ha, chú trọng, đẩy mạnh phát triển đối với sáu huyện được Chính phủ chấp thuận lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, là: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín mần. Ðể góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, cùng với việc trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tỉnh Hà Giang xác định phát huy cao nhất diện tích đất dưới tán rừng để duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu ở khu vực này. Trồng và sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan, du lịch và là hướng đi đúng đắn, khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm mang lại lợi nhuận cao, tăng tính ổn định, bền vững hệ sinh thái rừng và không ảnh hưởng quỹ đất của các loại cây trồng khác.

Như vậy, với việc triển khai dự án quy mô 10.000 ha tại sáu huyện trong Chương trình 30A trên địa bàn tỉnh Hà Giang, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động hằng năm, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh (mức thu mua dược liệu dự kiến từ 150 đến 200 triệu đồng/ha). Và, cùng với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và huyện về việc ổn định đời sống dân cư.

Việc triển khai dự án trồng dược liệu nói trên sẽ góp phần giúp người dân không chỉ trong vùng dự án mà cả các vùng lân cận yên tâm, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở những huyện nghèo, nhất là những huyện vùng cao, vùng xa./.

Đông Trình TH