“Trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu của những người lính nông dân”

Đó là chia sẻ của Nhà văn, Đại tá Đặng Vương Hưng - người sưu tầm, biên soạn cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) nhân dịp phát hành cuốn sách này vào ngày 06/5 vừa qua.
anh-so-1-2-1683422482.jpg
Chiều ngày 07/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh chia sẻ về công cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm của dân tộc, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu, trong câu chuyện của mình, Đại tá Đặng Vương Hưng còn nói đến sự đóng góp to lớn của các mẹ, các chị trong trường kỳ Kháng chiến chống Pháp.

Thời kỳ đó, hàng vạn người nông dân từ khắp các làng quê Việt Nam đã ra vùng kháng chiến. Và ở nơi quê nhà, các mẹ, các chị cũng ra sức đóng góp cho chiến trường để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc đánh dấu thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Xã hội Chủ nghĩa.

dien-bien-phu-2-1683422707.jpg
"Hình như mỗi làng quê Việt Nam đều có một Điện Biên Phủ thu nhỏ", ông Đặng Vương Hưng nói.

Tại buổi giao lưu nhân dịp ra mắt sách, nhà văn Đặng Vương Hưng đã chia sẻ những câu chuyện từ cuộc sống về trận Điện Biên Phủ cũng như cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ông kể, 69 năm trận Điện Biên Phủ đã qua nhưng ông rất day dứt, tiếc nuối, đau đáu vẫn chưa có điều kiện tập hợp được nhiều thư, trang viết từ những người lính tham gia cuộc kháng chiến này.

Nhà văn lý giải, bởi vì trong Kháng chiến chống Pháp, những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân hầu hết là nông dân, những người có trình độ rất hạn chế. Vì vậy, rất ít có thư, nhật ký, ghi chép từ những người lính nông dân này.

Hầu hết, họ không biết chữ, nhiều người chỉ trình độ lớp 3-4, trừ một số ít là người Hà Nội đi kháng chiến. Chẳng thế mà sau giải phóng, quân đội thành lập Trung đoàn 66 bảo vệ Thủ đô nhưng chỉ chọn được những người lính học hết lớp 3, bốn, hiếm lắm mới có người học hết lớp 7. Vậy nhưng, làm thế nào mà những người lính nông dân ấy đã có thể làm nên được chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu"?

Nhà văn Hưng cho rằng, một trong những điều góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại này là do thời ấy cả hậu phương đều dồn sức cho tiền tuyến…

anh-3-1683422771.jpg
Bộ sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam"

Đã 69 năm trôi qua (1954-2023), nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Bởi sau chiến thắng Điện Biên Phủ là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm và chiến tranh bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc kéo dài hàng chục năm... Hàng triệu những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay./.

Trần Hạnh