Nhận định về trái phiếu ngành bất động sản năm 2023 thế nào?

Đơn vị nghiên cứu tài chính FiinRatings vừa phát hành báo cáo "Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023" của Việt Nam. Theo đó, trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường.

Tại báo cáo của FiinRatings đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn và rủi ro hơn nữa trong năm 2023.

Các doanh nghiệp bất động sản buộc phải duy trì đủ dòng tiền cho các dự án (thường kéo dài 3-5 năm, tùy thuộc quy mô), nhưng dòng tiền suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này.

Trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản sẽ lên tới 230,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn.

bat-dong-san-la-gi-1675512553.jpg
Trái phiếu bất động sản chiếm tỷ lệ 80% trong nhóm doanh nghiệp đáng báo động

Do vậy, các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.

Vì thiếu vốn triển khai dự án trong khi doanh số sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã tính đến các phương án tái cơ cấu nợ như: Gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay với lãi suất mới; mua lại trái phiếu; trả nợ trái phiếu bằng bất động sản. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh tập trung vào sản phẩm chủ lực; thu gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự; tăng chiết khấu để kích cầu.

FiinRatings nhận định, tuy còn nhiều khó khăn nhưng thời gian tới là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia. Theo đó, các cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng.

Các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới. Loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường.

Ngoài ra, bối cảnh này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động tiếp cận các kênh vốn mới, FiinRatings thông tin.

Trước đó, hồi nửa đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với 3 kiến nghị chính.

Thứ nhất, giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoản chuyên nghiệp tại Nghị định số 65.

Thứ 2, giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định số 65.

Thứ 3, cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.

Nếu các đề xuất này được thông qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc trên thị trường sẽ có hy vọng được "cứu cánh”.

Khánh Ngân