Trà Vinh gieo sạ vụ Đông Xuân dứt điểm trong tháng 12 để tránh hạn, mặn

Ngày 9/12, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh về tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương tỉnh Trà Vinh đã làm tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua, nhiều mô hình đã phát huy tính hiệu quả cao.

Cùng với đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị tỉnh Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, đảm bảo gieo sạ dứt điểm trong tháng 12 để tránh tình trạng hạn, mặn vào cuối vụ; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang các cây trồng, vật nuôi khác hoặc nuôi thủy sản để tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.

Chia sẻ với nông dân về việc giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao thời gian gần đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp bình ổn giá.

Để giảm thiểu chi phí đầu vào, nông dân có thể giảm một phần lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa, điều này không ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúa. Đối với các kiến nghị của tỉnh Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và đề đạt Chính phủ xem xét.

lua-1-1639034386.jpg
Nông dân ở tỉnh Trà Vinh đang gieo sạ lúa. Ảnh minh họa

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, vụ Đông Xuân 2021-2022, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch gieo trồng gần 54.000 ha lúa, 52.900 ha cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

Đến nay toàn tỉnh đã xuống giống hơn 7.200 ha lúa. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2022, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi 1.338 ha đất trồng lúa sang trồng các cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Đồng thời, tỉnh tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện thu nhập nông hộ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho rằng, Trà Vinh là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu; nhất là hạn, hán, xâm nhập mặn thường xuyên vào mùa khô. Vì vậy, nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất của người dân rất lớn.

Trong khi đó, tình trạng khai thác nước ngầm ở các địa phương trong tỉnh hiện nay đang ở mức báo động, nguy cơ xảy ra sụt lún mặt đất, tác động xấu môi trường nên tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung dự án hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé đảm bảo an ninh nguồn nước tại các huyện Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh vào quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, với tổng mức kinh phí đầu tư 2.864 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc biến đổi khí hậu cũng gây sạt lở bờ biển, bờ sông ở Trà Vinh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông hỗ trợ xây dựng kè bờ biển có chiều dài khoảng 10km và kinh phí cho tỉnh xây dựng mô hình khuyến nông sản xuất lúa - tôm quy mô diện tích 1.000 ha cho 3 huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Trà Cú; hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ trên cây ăn trái quy mô diện tích 100 ha cho 3 huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần./.