TP.HCM sắp gọi đầu tư cho hàng loạt dự án PPP

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP.HCM về ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, thể thao và văn hóa.

Dựa trên các cơ sở lựa chọn, TP.HCM xác định được 41 dự án, trong đó có 12 dự án giáo dục đào tạo, 6 dự án y tế và 23 dự án thể thao văn hóa cần tập trung triển khai.

xay-dung-1701499581.png
Ảnh minh họa.

Theo đó, một số dự án trong lĩnh vực y tế như xây dựng khu khám điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tại quận 5, quy mô 300 giường, với 4 tầng hầm, 15 tầng cao, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng. Dự án xây dựng Bệnh viện đột quỵ TP.HCM tại TP Thủ Đức quy mô 500 giường, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng… Loại hợp đồng dự kiến áp dụng là BOT.

Ở lĩnh vực giáo dục, các dự án chủ yếu là xây dựng trường học từ mầm non đến THPT ở quận 7, quận 8, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức.

Trong đó, có các dự án quy mô lớn, như Trường Tiểu học Lê Lợi ở quận Bình Tân có tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, Trường Tiểu học xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tổng mức đầu tư 457 tỷ đồng, Trường mầm non ở quận 8 với mức đầu tư 491 tỷ đồng…

Lĩnh vực văn hóa - thể thao, có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên, đều nằm ở TP Thủ Đức. Như dự án xây dựng mới Nhà thi đấu quần vợt và cụm sân quần vợt ngoài trời (1.000 tỷ đồng); dự án xây dựng mới cụm hồ bơi thi đấu và tập luyện.

Dự án xây dựng mới Sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh ở TP Thủ Đức (7.000 tỷ đồng). Dự án xây dựng mới nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời (4.000 tỷ đồng). Dự án xây dựng mới Nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp (3.000 tỷ đồng). Dự án xây dựng mới sân thi đấu các bộ môn điền kinh (1.500 tỷ đồng). Dự án xây dựng mới Học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời 1.000 tỷ đồng.

Theo UBND TP.HCM danh mục này được ban hành nhằm khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, thực hiện theo phương thức PPP.

UBND TP.HCM đề xuất trong quá trình triển khai, căn cứ vào tính cấp thiết của các dự án, tình hình quan tâm của các nhà đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP.HCM, các sở quản lý chuyên ngành chủ động, linh hoạt đề xuất UBND TP.HCM xem xét việc đầu tư theo phương thức đầu tư công hay hình thức khác phù hợp. Đồng thời, trình HĐND TP.HCM xem xét bổ sung danh mục này./.

Bảo Minh (t/h)