Tổng giám đốc IMF cảnh báo các rủi ro liên quan ổn định tài chính

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa cảnh báo về nguy cơ gia tăng những yếu tố rủi ro liên quan ổn định tài chính và nhấn mạnh “cần nâng cao cảnh giác” sau những bất ổn xảy ra gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao phát triển Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh, Tổng Giám đốc IMF - Kristalina Georgieva dự báo, năm 2023 sẽ tiếp tục “là một năm nhiều thách thức”, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 3% do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các chính sách thắt chặt tiền tệ và những hậu quả của đại dịch COVID-19.

Bà Georgieva cho biết, ngay cả khi có triển vọng tốt hơn cho năm 2024, tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử là 3,8% và triển vọng chung vẫn ở mức yếu. Trước đó, IMF dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023 là 2,9%. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của các nhân tố như lạm phát cao, xung đột và chia rẽ địa chính trị, triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu, rủi ro đối với ổn định tài chính vẫn đang gia tăng.

Bà Kristalina Georgieva nhận định, mức nợ cao và sự chuyển đổi của nền kinh tế từ lãi suất thấp trong dài hạn sang lãi suất cao chắc chắn sẽ kéo theo lạm phát, đồng thời tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính. “Rõ ràng là các rủi ro liên quan ổn định tài chính đang gia tăng. Trong thời điểm nợ công cao hơn, sự chuyển đổi nhanh chóng từ một giai đoạn lãi suất thấp kéo dài sang giai đoạn lãi suất cao hơn nhiều (việc cần thiết để giảm lạm phát), chắc chắn tạo ra sức ép và bất ổn, bằng chứng là những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế phát triển", Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh.

kristalina-georgieva-1679931292.jpgTổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi thị trường tài chính bắt đầu hỗn loạn do sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, cũng như vấn đề thanh khoản của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ).

Bà Georgieva cho biết, các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế phát triển đã phản ứng dứt khoát với rủi ro ổn định tài chính sau sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, nhưng ngay cả như vậy, các nước cũng cần cảnh giác. "Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và đang đánh giá những tác động tiềm ẩn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính toàn cầu", Giám đốc IMF nói và cho biết cơ quan này đang rất chú ý đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp với mức nợ cao.

Tổng Giám đốc IMF cũng đề cập tới sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc như một điểm sáng của kinh tế thế giới. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay, chủ yếu nhờ phục hồi trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân khi quốc gia này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Theo bà Georgieva, sự phục hồi mạnh mẽ giúp Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, mang lại động lực tăng trưởng cần thiết cho kinh tế thế giới. Theo người đứng đầu IMF, tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng 1% sẽ kéo theo tăng trưởng ở các nền kinh tế khác tại châu Á tăng thêm trung bình 0,3%./.

Thi Nguyên (t/h)