Tỉnh Lâm Đồng đưa gần 59.000 ha đất lâm nghiệp ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng

Theo đó, địa phương có diện tích đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp lớn nhất là huyện Đam Rông với 10.615ha, tiếp đến là huyện Lâm Hà với 10.101ha, huyện Đức Trọng là 9.622ha, huyện Di Linh là 8.129ha, TP Đà Lạt là 5.222ha…

Tại Văn bản số 3654, ngày 26/5/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc quy hoạch chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, toàn tỉnh có hơn 58.916 ha được rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng.

Theo đó, địa phương có diện tích đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp lớn nhất là huyện Đam Rông với 10.615ha, tiếp đến là huyện Lâm Hà với 10.101ha, huyện Đức Trọng là 9.622ha, huyện Di Linh là 8.129ha, TP Đà Lạt là 5.222ha…

3 loại rừng đưa ra khỏi quy hoạch gồm: (1) diện tích đã canh tác nông nghiệp ổn định từ năm 2019 trở về trước mà không có tranh chấp; (2) diện tích canh tác nông nghiệp ổn định trước năm 2019 mà bản đồ hiện trạng kiểm kê đất đai năm 2019 cập nhật chưa đầy đủ so với hiện trạng theo thực tế; (3) diện tích đất đã được cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, rừng sang các mục đích khác không phải lâm nghiệp.

Ngoài ra còn có diện tích đất đã canh tác thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định do yếu tố lịch sử trước đây mà chưa được giải quyết; diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp; diện tích đất, rừng thuộc dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; phục vụ tái định cư, tái định canh; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các công trình khác.

ld-1668396657.jpg
Rừng Phát Chi, Đà Lạt. (Nguồn ảnh: Nguyễn Nghĩa, baolamdong.vn)

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, một số địa phương có kiến nghị điều chỉnh diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo chiều hướng giảm so với phân bổ chỉ tiêu, như huyện Đam Rông kiến nghị điều chỉnh diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng từ 10.615ha xuống 8.956ha (giảm 1.659ha); huyện Di Linh điều chỉnh diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng từ 8.129ha xuống 7.555ha (giảm 574ha). Trong khi đó, huyện Đạ Tẻh kiến nghị điều chỉnh diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng tăng từ 89,5ha lên 1.500ha (tăng 1.410ha); huyện Cát Tiên bổ sung diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng tăng hơn 822ha.

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, diện tích đất đã được giao, giao khoán ổn định cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo các Nghị định số 01 ngày 4/01/1995, số 163 ngày 16/11/1999, số 135 ngày 8/11/2005, số 168 ngày 27/12/2016 của Chính phủ thì đưa vào diện tích đất công, không được hợp thức hóa đất của công thành đất của tư.

Các địa phương phải hoàn thành việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng này gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh việc rà soát, hoàn chỉnh trình UBND tỉnh trước ngày 20/12/2022.

Trước đó, nổi lên nhiều tranh cãi xung quanh việc quy hoạch 3 loại rừng ở Lâm Đồng

Cụ thể, Tại phiên họp giải trình về một số vấn đề “nóng”, nổi cộm liên quan đến rừng, đất rừng… do Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 26/5, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đề nghị khẩn trương rà soát, điều chỉnh những bất cập cơ cấu 3 loại rừng, đảm bảo quyền lợi người dân và Nhà nước.

Thực tế có những vị trí còn rừng nhưng được quy hoạch là đất ngoài lâm nghiệp và ngược lại, một số diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn nằm trong quy hoạch lâm nghiệp.

Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện còn khoảng 52.000 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp; một số diện tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, nhưng chưa được các đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp, cập nhật kịp thời.

Ngược lại, một số diện tích đất người dân sản xuất nông nghiệp, sinh sống ổn định lâu năm nhưng vẫn quy hoạch là đất lâm nghiệp, dẫn đến việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp…

Khánh Ngân