Làm gì để người nông dân giữ lại cây điều?

Thách thức lớn cho ngành điều hiện nay vẫn là vấn đề nguồn nguyên liệu, diện tích trồng điều bị thu hẹp do nông dân chặt, phá cây điều để chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
hat-dieu-1692089991.png
Vị trí ngành điều của nước ta đang bị lung lay trên thị trường thế giới. Ảnh minh họa

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang về việc ngành điều Việt Nam đang có xu hướng tăng nhập khẩu và vị trí đang bị lung lay trên thị trường thế giới…, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành điều Việt Nam cần phải tái cấu trúc.

Nhiều người trồng điều ở Bình Phước đã chặt bỏ điều, chuyển sang trồng sầu riêng. Có thời điểm, chúng ta mong muốn và hào hứng Bình Phước sẽ trở thành thủ phủ của cây điều và Việt Nam đứng đầu thế giới về điều. Nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi, trước kia Việt Nam nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi nhưng hiện các quốc gia này bắt đầu tăng cường chế biến và xuất khẩu điều thô. Điều sản xuất trong nước để chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 20-30%, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn chứng.

Hiện nay, ở Bình Phước đang thực hiện thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, nghĩa là một mảnh đất tích hợp đa giá trị,... Đây là một trong những giải pháp để người nông dân có thể giữ cây điều.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm, Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó điều cũng là một dạng rừng, để tạo ra sinh kế nhiều hơn, ngoài nguồn thu hoạch từ điều.

Báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành điều đã xuất khẩu được 279.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch đạt khoảng 1,6 tỉ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá nhưng giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá của VINACAS về thực trạng ngành điều hiện nay, cho thấy, ngành điều Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan như khủng hoảng địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, lạm phát toàn cầu, sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp, người tiêu dùng toàn cầu giảm chi tiêu…

Tuy nhiên, thách thức lớn cho ngành điều hiện nay vẫn là vấn đề thu mua nguyên liệu. Đơn cử như “thủ phủ" vùng nguyên liệu điều là tỉnh Bình Phước hiện gần như không phát triển diện tích trồng điều mà còn bị thu hẹp do nông dân chặt, phá cây điều để chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Theo VINACAS, năm 2022, diện tích điều tại các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai bị thu hẹp đáng kể, riêng Bình Phước từ 175.000 - 180.000 ha trước đây đã giảm xuống còn 150.000 ha.

Điều này dẫn tới việc phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia. Nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều đã phải “sống dở, chết dở" khi giá nguyên liệu cao, còn giá điều nhân chế biến lại giảm. Tình trạng các doanh nghiệp chế biến hạt điều tranh nhau mua điều thô với giá quá cao, trong khi nhiều doanh nghiệp thiếu đoàn kết, cạnh tranh bằng giảm giá trước những biến động trên thị trường thế giới, dẫn đến giá bán đầu ra thấp hơn đầu vào, gây ra thua lỗ.

Đông Nghi