Thường xuyên kiểm tra, phòng, chống rét cho các loại cây trồng

Trước thời tiết rét dậm, rét hại gây ra đối với sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía Bắc thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho các loại cây trồng kịp thời.

Diễn biến thời tiết và sâu bệnh từ nay đến cuối vụ còn hết sức phức tạp và khó lường, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cần phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi sát tình hình biến động của thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để thông báo kịp thời và hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp đạt hiệu quả cao.

Các địa phương cần chuẩn bị và có phương án dự phòng đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện làm đất, gieo trồng, thu hoạch… để đảm bảo thực hiện theo kế hoạch sản xuất.

Theo Cục Trồng trọt, đối với diện tích lúa đã gieo sạ, cấy cần duy trì mực nước 2-3 cm trên mặt ruộng để giữ ấm cho lúa, không để lúa chết úng hoặc chết khô do thiếu nước. Người dân tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C, thay vào đó là bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá,... để tăng khả năng chống rét cho lúa.

Khi thời tiết ấm, nông dân cần tranh thủ tỉa dặm và bón thúc bằng các loại phân hỗn hợp, phức hợp NPK chuyên dùng để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh sớm.

Với diện tích mạ đã gieo, các địa phương cần tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn chống rét theo đúng kỹ thuật cho mạ, bơm nước giữ ấm cho mạ. Nơi có điều kiện, thực hiện biện pháp đêm đưa nước vào, ngày tháo nước ra. Đặc biệt, tuyệt đối không bón đạm urê hay NPK, chú ý bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội để chống rét cho mạ.

Những diện tích lúa đã cấy, gieo sạ, mạ có nguy cơ bị chết do rét đậm rét hại, các địa phương chủ động kiểm tra đánh giá; chuẩn bị dự phòng các giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày như: P6 ĐB, HN6, KD18, Khang dân đột biến, BT7, Q5, HT1... để thay thế diện tích mạ, lúa bị thiệt hại do rét đậm, rét hại, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

c35b50000fc5117cadae589422c379d1-1645530493.jpeg
Ảnh minh hoạ

Các địa phương tuyệt đối không gieo, cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C. Làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư để khẩn trương gieo, cấy khi khi thời tiết thuận lợi, nhiệt độ trung bình trên 15 độ C theo lịch thời vụ đã xác định, tập trung hoàn thành trong tháng 2/2022.

Với sản xuất rau màu, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội, phân vi lượng cho diện tích rau chưa đến kỳ thu hoạch để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu với rét đậm, rét hại; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Người dân thu hoạch rau màu đến thời kỳ thu để đảm bảo năng suất và chất lượng; đồng thời, chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ Xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh…

Trước dự báo sớm về tác hại của rét đậm, rét hại, ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, ngành nông nghiệp đã định hình khung thời vụ, cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng địa phương để bảo đảm an toàn cho cây lúa sinh trưởng. Kịch bản ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại bằng kỹ thuật chống rét cho mạ và lúa đã được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai kịp thời.

Theo ông Điển, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chỉ đạo người dân gieo cấy vào thời điểm thích hợp và thực hiện đúng kỹ thuật chống rét. Ngành nông nghiệp đã đề nghị doanh nghiệp kinh doanh giống, vật tư chủ động dự phòng nguồn giống, cung ứng đủ vật tư, phân bón phục vụ sản xuất trong tình huống phải gieo cấy lại. Trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài thì những diện tích quá khung thời vụ, cần chuyển đổi sang trồng các loại cây màu ngắn ngày./.