Thu hút nguồn "tài chính xanh" để tăng trưởng bền vững

Việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết, nhưng cũng đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực, vì vậy cần sự tham gia, góp sức lớn từ khu vực tư nhân, mà trong đó cộng đồng doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng.

Chia sẻ về vấn đề này tại hội nghị quốc tế về "Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước" mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong hai năm qua, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức song vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lạc quan, đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020 và đạt hơn 18 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ các mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Đây vừa là vấn đề cấp thiết khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vừa là vấn đề chiến lược nhằm nâng cao năng suất, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

bui-thanh-son-1669711268.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng tình rằng, việc cân bằng các mục tiêu phát triển và rủi ro khí hậu đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn tài chính quy mô lớn. Để đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045 trong khi xây dựng một nền kinh tế có khả năng phục hồi và tuân thủ các cam kết giảm thiểu quốc tế, Việt Nam sẽ cần đầu tư bổ sung tương đương khoảng 7% GDP/năm. Chỉ riêng các khoản đầu tư vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã lên tới khoảng 17 tỷ USD/năm mà chỉ riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng những nhu cầu này. Thay vào đó, cần có sự kết hợp các nguồn lực công cộng, tư nhân và ưu đãi để tạo điều kiện cho một lộ trình phát triển mới.

Giải pháp để thu hút nguồn tài trợ này, theo bà Carolyn Turk, là phải liên kết các cam kết về khí hậu với các dự án xanh hữu hình và khả thi về mặt tài chính. Cải cách PPP (quan hệ đối tác công - tư) với sự linh hoạt hơn trong đóng góp của Chính phủ và phân bổ rủi ro hợp lý là cần thiết, để cải thiện khả năng cấp vốn cho các dự án xanh và giúp mở ra tiềm năng cho khu vực tư nhân.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, với quy mô tài sản chiếm đến 43% GDP, sự dẫn dắt của các doanh nghiệp nhà nước mà đằng sau là sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro và huy động các khoản đầu tư tư nhân quy mô lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Các doanh nghiệp nhà nước là động lực kinh tế chính của tăng trưởng trong nước; đồng thời họ cũng chi phối các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon nhất của đất nước. Quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng ròng bằng 0 không thể diễn ra nếu không có sự lãnh đạo của Chính phủ, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, bà Carolyn Turk lưu ý nguồn vốn ODA hiện đang rất khó đến được với các doanh nghiệp nhà nước do thiếu các quy định rõ ràng về thủ tục. Vốn ưu đãi từ các quỹ khí hậu toàn cầu (CIF, GCF) cũng chưa thể vào được vào Việt Nam do chưa được quan tâm đúng mức. “Tôi thực sự khuyến nghị rằng, Chính phủ nên xem xét các thay đổi để tạo thuận lợi, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt nguồn vốn ODA cần thiết để giải quyết khẩn cấp nhu cầu đầu tư công trong lĩnh vực năng lượng” - đại diện WB đề nghị.

Còn theo đại diện Quỹ đầu tư Warburg Pincus, Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á. Với 2 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm đến ba yếu tố để thu hút hơn nữa nguồn vốn của các quỹ đầu tư. Một là, duy trì môi trường đầu tư ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Hai là, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng mềm của nền kinh tế về năng lực tài chính, hệ thống y tế, chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lực thực thi chính sách hiệu quả...Ba là, chú trọng tính bền vững của các dự án đầu tư nước ngoài.

Hương Lan (t/h)