Thổ Nhĩ Kỳ: Lạm phát cao nhất trong 19 năm

Theo Cơ quan Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002, do tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Cụ thể, trong tháng 12/2021, giá tiêu dùng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020, sau khi tăng 21,3% trong tháng 11/2021, ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 10/2002. Trong năm 2021, giá sữa, sữa chua và dầu hướng dương đều tăng khoảng 75%, trong khi giá gà tăng 86%.

Phát biểu sau cuộc họp nội các hàng tuần, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cam kết sẽ hỗ trợ các gia đình, công nhân, sinh viên và những người đã nghỉ hưu với một gói hỗ trợ trong đó có hỗ trợ tài chính cho các hóa đơn nhiên liệu và tăng lương.

Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ quyết tâm giảm lạm phát xuống mức một con số càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, ông Erdogan phản đối việc tăng lãi suất để ứng phó lạm phát tăng cao.

183258-covid-19-thanh-pho-istanbul-cua-tho-nhi-ky-thuc-hien-phong-toa-1641275634.jpeg
Trong ảnh (tư liệu): Một tuyến phố vắng bóng người qua lại do dịch COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Lãi suất cao là một lực cản đối với hoạt động kinh tế và làm giảm tốc độ tăng trưởng, song lại là một giải pháp hữu ích để giảm lạm phát khi giúp giảm nhu cầu và khuyến khích tiết kiệm. Dù vậy, ông Erdogan cam kết không tăng chi phí đi vay.

Trong năm 2021, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 44% giá trị so với đồng USD, khi ông Erdogan tiến hành một loạt đợt giảm lãi suất.
Đồng USD đã tăng lên mức kỷ lục gần 18,4 lira/USD vào thời điểm ông Erdogan công bố các biện pháp hỗ trợ tiền tệ mới vào tháng trước. Vào đầu năm 2021, đồng lira được giao dịch ở 7,4 lira/USD.

Cơ quan quản lý tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một bước đi nữa trong việc nâng giá đồng lira với việc yêu cầu các nhà xuất khẩu bán một phần tư doanh thu ngoại tệ của họ cho ngân hàng trung ương, để gia tăng nguồn ngoại tệ dự trữ đang suy giảm./.