Thị trường logistics Việt đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều hạn chế

Trong thời gian qua, ngành logistics đã có nhiều thành tựu và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, ngành logistics đang gặp một số khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Sự liên kết giữa các công ty trong ngành đa phần có quy mô nhỏ và vừa, năng lực vận dụng các cơ hội cũng có nhiều hạn chế nhất định.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hoạt động logistics Việt Nam đang có sự tiến bộ vượt bậc và kinh ngạch xuất nhập khẩu rất lớn, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch đạt 557,93 tỷ USD, xuất khẩu đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập khẩu đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8%. Đặc biệt, xuất siêu trong 9 tháng đầu năm đạt 6,77 tỷ USD.

logistics-1666171897.jpg
Logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Còn theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường Logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker…

Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam với các “ông lớn” như Shopee, Lazada hay Tiki… đã trở thành một cơ hội đầy tiềm năng để các tập đoàn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kho vận hiện đại đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới… gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính… và các cơ quan chức năng đã và đang xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.

Chia sẻ về vấn đề khó khăn trong lĩnh vực logistics tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển", bà Lệ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại, Công ty SLP Việt Nam cho biết, hiện nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, còn khá nhiều doanh nghiệp logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nhu cầu về vị trí kho vận tiệm cận khu vực nội đô (TP. HCM và Hà Nội), cũng như nhu cầu xây dựng kho vận quy chuẩn theo hệ thống toàn cầu ngày một tăng cao.

Hệ thống cung ứng các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa tổng quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là một khái niệm mới mẻ. Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao - bà Lệ Thị Ngọc Diệp cho biết thêm.

dao-trongj-khoa-1666171897.jpg
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Do đó, để hỗ trợ ngành dịch vụ Logistics phát triển, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề một số chính sách. Cụ thể: Phát triển tiếp Chương trình hành động quốc gia về logistics: Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều quan tâm sâu sát hơn tới sự phát triển ngành logistics, nay cần có xem xét đánh giá và phát triển chương trình hành động cấp quốc gia giai đoạn mới với các hoàn thiện về tổ chức và nguồn lực triển khai. Trong đó chú trọng các biện pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể phát triển ngành (quy hoạch tích hợp) để có thể tạo nền tảng phát triển dài hạn.

Thứ hai, cần có các chương trình phát triển năng lực thực tế: chương trình hành động quốc gia hay các chương trình/dự án/đề án hiện có của các bộ ngành nên tập trung vào một số hoạt động mũi nhọn gồm: Phát triển kỹ năng số cho các cấp nhân sự; Các chương trình xúc tiến thương mại dựa trên giải pháp logistics hiệu quả; Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, đào tạo và chuyển giao công nghệ với hàng loạt công nghệ mới như đã nêu.

Thứ ba, xác định rõ các Nguồn vốn hỗ trợ phát triển công nghệ logistics: các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nên tiếp tục phát huy: Các giải pháp của Bộ KH-ĐT thông qua cục phát triển doanh nghiệp; Với quỹ phát triển công nghệ quốc gia, đề xuất có chương trình đặc biệt cho logistics trong đó việc tiếp cận nguồn vốn và giải ngân không cần theo quy định có tài sản đảm bảo mà dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh do ứng dụng công nghệ - đúng theo tinh thần của quỹ; Các địa phương cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, nhất là hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau áp dụng giải pháp phát triển thị trường chung - chống đứt gãy chuỗi cung ứng: Hiệp hội Logistics có thể cùng với các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình phát triển thị trường chung. Ví dụ phát triển thị trường nông sản trong khu vực Indo-Pacific. Bằng các mối quan hệ của mình, các doanh nghiệp, hiệp hội đã có rất nhiều mối quan hệ khách hàng, nay áp dụng công nghệ DSN là có thể phát triển một mạng cung ứng số giúp tối ưu hóa cho các bên, tăng lợi nhuận đáng kể. Theo cách này, có thể xây dựng 14 mạng lưới với 14 hiệp hội ngành hàng ngay từ năm 2023.

Thứ năm, đào tạo nhân lực có kỹ năng số vượt trội: Cần tập trung đào tạo lực lượng tinh nhuệ để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đề xuất chọn một nhóm tinh hoa từ các doanh nghiệp, trường, viện để đào tạo, trang bị cho họ những kiến thức, công cụ mới để có thể tư vấn, thiết kế, cung cấp giải pháp cho nhiều doanh nghiệp, quy mô lớn.

Hương Lan (t/h)