Ghi nhận tại bãi biển xã Quảng Thái huyện Quảng Xương, từ sáng sớm, đã có hàng chục tàu thuyền đầy ắp ruốc biển nối đuôi nhau vào bờ, mỗi thuyền chứa khoảng 2 đến 3 tạ ruốc biển tươi. Tiếng cười nói rôm rả của ngư dân với thương lái, cộng với tiếng dịu êm của sóng biển dạt bờ báo hiệu một mùa bội thu của người dân ven biển.
Mùa ruốc năm nay đến sớm, đàn ruốc trôi dạt vào bờ theo từng đợt con sóng nên việc đánh bắt của ngư dân rất thuận lợi. Đây là sản phẩm được ngư dân ví như “lộc trời ban”, tuy nhỏ bé, nhưng ruốc lại chế biết ra rất nhiều món ăn, tạo nên thương hiệu nổi tiếng trong ẩm thực xứ Thanh.
Ngư dân Đặng Văn Toàn chia sẻ: “Hằng năm, cứ vào độ tháng 6, tháng 7 Âm lịch là chính vụ đánh bắt ruốc, nhưng năm nay, mùa ruốc đến sớm, chúng tôi cố gắng tận thu những lộc trời này. Do đặc tính ruốc đi theo đàn nên việc đánh bắt cũng nhiều thuận lợi”.
Việc đánh bắt ruốc biển rất vất vả và tốn sức, thường mỗi bè đi khoảng 2 người, mỗi ngày đi nhiều chuyến. Sau khi thu hoạch được khoảng 200 đến 300 kg, ngư dân lại đưa vào bờ để tránh cho ruốc không bị ươn. Bình quân, trong mùa ruốc, mỗi bè ra khơi đánh bắt 4 - 5 chuyến/ngày.
Sau khi mang lên bờ, ruốc biển có thể chế biết các loại mắm tôm, mắm chua. Bình quân ruốc tươi xuất cho thương lái có giá dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg. Ngoài ra, ruốc có thể đem phơi khô để chế biết nhiều món như xào, nấu canh… Giá ruốc khô từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Ngư dân Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Do số lượng lớn nên đa số ruốc biển sau khi được mang lên bờ chúng tôi đều phơi khô, vừa bảo quản được lâu hơn, giá thành lại cao. Để ruốc khô có chất lượng đảm bảo, mỗi một mẻ chúng tôi chỉ phơi khoảng 2 đến 3 tiếng, tùy vào thời thiết, nếu phơi lâu ruốc sẽ bị sáp, mất hết vị”.
Cũng theo bà Tuyết, để phơi được ruốc ngon, ngư dân cần dùng rổ thưa, xảy đều vị trí của các con trên bạt, loại bỏ đi các con ốc, đá còn dính lại, để sản phẩm được thơm ngon, sạch sẽ hơn. Ruốc sau khi khô được xuất bán trực tiếp cho các thương lái, hoặc các điểm thu mua trên địa bàn.