Thái Bình đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát huy lợi thế các khu công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 10 khu công nghiệp cùng 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000ha đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư.
thai-binh-thu-hut-dau-tu-02-1711162124.jpg
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 10 khu công nghiệp cùng 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000ha. (Ảnh minh họa)

Thái Bình định vị "Vệ tinh Kinh tế đang lên tại miền Bắc"

Ngày 22/3, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ (SVBG) và Phòng thương mại Thụy Sĩ-châu Á (SACC) tổ chức hội thảo tại thành phố Zurich để giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, qua đó thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh này.

Phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Khu Kinh tế Thái Bình - Vệ tinh Kinh tế đang lên tại miền Bắc Việt Nam," ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, đã giới thiệu về những điểm mạnh của tỉnh như có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp.

Hiện tỉnh có 10 khu công nghiệp cùng 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000ha đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

Chủ tịch Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: “Thái Bình khát vọng mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư và luôn chào đón các nhà đầu tư trên toàn thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư tại Thụy Sĩ, đến nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác và đầu tư tại Thái Bình… Chúng tôi hy vọng Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp có trụ sở tại Thụy Sĩ như Swiss Global Enterprise, SwissMEM, Swiss Textiles, SACC và SVBG hỗ trợ, giúp sức cho tỉnh bằng cách kết nối giữa với các công ty và nhà đầu tư Thụy Sĩ. Tỉnh Thái Bình cam kết tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư FDI nói chung và doanh nghiệp Thụy Sĩ nói riêng nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư."

thai-binh-thu-hut-dau-tu-01-1711162176.jpg
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình giới thiệu về những điểm mạnh của tỉnh. (Ảnh TTXVN)

Cũng tại hội thảo, đại diện của các công ty Thụy Sĩ đã trình bày đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế với phía Việt Nam cũng như đặc thù, tính chất công việc của từng công ty trong từng lĩnh vực với mong muốn được tìm hiểu rõ hơn về các chính sách đầu tư và phát triển của tỉnh Thái Bình, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kết nối giao thông trong tương lai.

Ông Roger Leitner, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam thuộc SACC, chia sẻ: “Tôi đã tìm thấy ở Việt Nam nhiều cơ hội cho các công ty Thụy Sĩ. Tỉnh Thái Bình, với tư cách là một vệ tinh kinh tế đang lên, có thể mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà đầu tư."

Trong phần hỏi đáp, ông Nguyễn Khắc Thận cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sĩ Nguyễn Đức Thương và đại diện của Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ đã có những trao đổi sâu về các lĩnh vực mà tỉnh Thái Bình quan tâm trong hoạt động kêu gọi xúc tiến đầu tư từ Thụy Sĩ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản thực phẩm, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch.

Tạo điểm nhấn thu hút đầu tư từ công nghiệp xanh

Những năm qua, mặc dù đối mặt với những khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm 2021-2023 của tỉnh Thái Bình đạt 8,18%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước đạt 67.948 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần so với năm 2020.

Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thu hút đầu tư được đổi mới toàn diện, hiệu quả. Thu hút đầu tư, nhất là FDI có sự tăng trưởng vượt bậc: tổng vốn FDI giai đoạn 2021-2023 đạt trên 4,1 tỷ USD, trong đó năm 2023 đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng.

thai-binh-thu-hut-dau-tu-03-1711162229.jpg
Tỉnh Thái Bình tập trung phát triển công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. (Ảnh minh họa)

Dựa trên quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ: Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá cho địa phương như năng lượng, cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện, điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản... Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp...

Tỉnh cũng sẽ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Condensate (hỗn hợp hydrocarbon lỏng chủ yếu được sử dụng để sản xuất xăng, dung môi công nghiệp và làm nguyên liệu cho tổ hợp hóa dầu); chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Khi nghiên cứu Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia đánh giá Thái Bình sẽ có hệ sinh thái đa dạng để phát triển ngành công nghiệp xanh. Trước hết, Khu kinh tế Thái Bình tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát triển thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, tỉnh quy hoạch ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN) - đô thị - dịch vụ, KCN phía Bắc và các KCN khác trong Khu kinh tế Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành các KCN - đô thị - dịch vụ công nghệ cao./.

Trọng Bình