Thách thức mới trong phòng, chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hóa

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Blockchain nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính, nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa khi các hành vi rửa tiền trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
anh-1695482369.jpg
Các chuyên gia lĩnh vực blockchain và pháp lý tham gia phổ biến Luật Phòng chống rửa tiền và tư vấn các giải pháp phòng ngừa rủi ro rửa tiền qua các loại tiền mã hóa.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính, nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa khi các hành vi rửa tiền trở nên tinh vi và phức tạp hơn.

Tại buổi thảo luận “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”, diễn ra hôm 22/9, các diễn giả đều cho rằng, công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa. Tuy nhiên, việc quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình còn chưa hoàn thiện và đặc biệt là thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành này được cho là những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống rửa tiền còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, các báo cáo gần đây của các tổ chức uy tín toàn cầu chỉ ra nguy cơ rửa tiền đang có xu hướng tăng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa, tài sản số, đồng thời đặt ra thách thức mới trên toàn cầu.

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô các hoạt động rửa tiền toàn cầu có thể lên tới 1.600 - 4.000 tỷ USD/năm, tương đương 2 - 5% tổng GDP toàn thế giới. Trong khi đó, các số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), quy mô của các hoạt động bất hợp pháp này còn có thể cao hơn, từ 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm.

Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số, nên mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Nguyên nhân tiền mã hóa hấp dẫn tội phạm rửa tiền là do thiếu quy định đồng bộ. Tính đến năm 2023, một số quốc gia đã xác định tiền mã hóa, tài sản mã hóa là một loại tài sản, do đó có thể áp dụng luật Chống rửa tiền (AML) dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Tại cuộc thảo luận, 3 khuyến cáo đã được đưa ra nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số, gồm nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam đã công nhận, các định chế tài chính cần xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.

Quốc Cường