Tây Nguyên xác định cây ăn quả chủ lực, có lợi thế phát triển

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả khu vực Tây Nguyên đang không ngừng tăng lên và đạt 94,4 nghìn ha, tăng 66,9 nghìn ha so với năm 2010.
anh-3-dak-nong-2-1001-20200420-697-100307-1635845439.jpeg
Cây ăn quả khu vực Tây Nguyên có lợi thế lớn để phát triển

Một số cây ăn quả phát triển nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông; bơ tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đang được nông dân mở rộng diện tích và đặc biệt, trồng xen trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích sầu riêng ở khu vực này đạt 27,8 nghìn ha, sản lượng 177,5 nghìn tấn, chiếm gần 40% diện tích và gần 32% sản lượng cả nước.
Diện tích bơ đạt 15,5 nghìn ha, cho sản lượng 86,5 nghìn tấn, chiếm trên 78% diện tích và gần 82% sản lượng cả nước. Phần lớn sầu riêng, bơ được trồng xen canh trong cà phê và cây trồng khác. Ngoài ra, một số vùng sản xuất chanh leo tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đã hình thành với diện tích 6,7 nghìn ha.
Với sự phát triển mạnh của loại cây trồng này, Cục Trồng trọt cho rằng, việc mở rộng diện tích các loại cây này cần được đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất phù hợp; phát triển liên kết sản xuất giữa nông dân với các doanh nghiệp; sản xuất an toàn gắn với phát triển sơ chế, chế biến, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thúc đẩy sản xuất cây ăn quả phát triển, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được nghiên cứu, áp dụng thành công. Hàng nghìn cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao cho sản xuất ở nhiều địa phương.
Nhiều giống cây ăn quả mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất như: sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona; chanh leo Đài Nông 1; bơ Booth7, bơ TA1 là 2 giống bơ có năng suất khá, chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu tiêu dùng trong nước và 3 giống bơ gốc ghép triển vọng TA5, TA21 và TA44.
Về bảo quản, trong thời gian gần đây, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong bảo quản rau quả tươi như: chế phẩm sinh học Retain (có nguồn gốc tự nhiên) cho một số loại cây ăn quả như cam, quýt để làm chậm quá trình chín, kéo dài thời gian thu hoạch, giảm tỷ lệ quả rụng, tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30%…
Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới, các tỉnh tiếp tục rà soát tình hình sản xuất các đối tượng cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn. Đồng thời, xác định các đối tượng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế phát triển phù hợp với đất đai, điều kiện sinh thái. Trên cơ sở rà soát, đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển bền vững, đặc biệt không phát triển các đối tượng cây trồng ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt.
Địa phương rà soát, đánh giá tổng kết các mô hình trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chanh leo, … trong cây công nghiệp để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hỗ trợ, đẩy mạng truy xuất nguồn gốc, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong nội tỉnh và ngoại tỉnh, bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử…. ; dự kiến sản lượng từng loại trái cây cụ thể hàng tháng, quý để có phương án tiêu thụ hiệu quả, dự báo và triển khai sản xuất cho từng đối tượng cây ăn quả phù hợp với tình hình hiện nay.
Thời gian vừa qua, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các mặt hàng trái cây tại một số thời điểm, dẫn đến giá thu mua thanh long, sầu riêng, bơ, xoài giảm nhiều so với cùng kỳ. Riêng giá chanh leo do có đầu ra ổn định, nên giá thu mua trong nước không có biến động, hiệu quả sản xuất tốt tại một số tỉnh Tây Nguyên.
Dự kiến sản lượng cây ăn quả chính trong quý IV/2021 tại Tây Nguyên là 213,8 nghìn tấn, bằng 32,2% tổng sản lượng cả năm. Cây cho thu hoạch lớn là chuối, sầu riêng, bơ, chanh leo, mít, dứa.