Sơn La: Nông dân Sông Mã phấn khởi thu hoạch nhãn chín sớm

Cây nhãn là cây ăn quả chủ lực đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân huyện Sông Mã. Hiện nay, huyện có khoảng 300ha T6 (nhãn chín sớm) đang được các hộ dân, Hợp tác xã (HTX) tất bật thu hoạch. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình, kỹ thuật vào việc chăm sóc cây, năm nay người trồng nhãn Sông Mã được mùa, thương lái thu mua với giá cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. 

Các vùng trồng nhãn Sông Mã tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Khoong, Chiềng Khương và Nà Nghịu. Nhãn Sông Mã có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được thị trường quốc tế đánh giá rất cao.

So với một số loại cây trồng khác, sản phẩm nhãn Sông Mã có nhiều thị trường tiêu thụ tiềm năng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất, chế biến cần đáp ứng các yêu cầu cao. Do vậy, các hợp tác xã, hộ dân đã chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm như: VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, ISO 22000 để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương đã đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi 16/46 ha nhãn địa phương sang ghép giống nhãn chín sớm T6 và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng nhãn chín sớm của hợp tác xã năm nay ước đạt khoảng 200 tấn. Quả nhãn không chỉ đảm bảo được chất lượng mà mẫu quả rất to, đẹp. Hiện tại, sản phẩm nhãn chín sớm của hợp tác xã được bán cho các thương lái và chợ đầu mối Long Biên với giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các thương lái đến thu mua.

nhan-son-la-1-1690893762.jpg
Nhãn Sông Mã chín sớm đang vào vụ thu hoạch 

Năm nay, người trồng nhãn rất phấn khởi bởi giá trị nhãn chín sớm cao gấp 4-5 lần so với nhãn chính vụ. Hiện quả nhãn tươi tại huyện được các thương lái thu mua giao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến gần 40.000 đồng/kg. Những quả mẫu mã kém hơn được các lò sấy thu mua về làm long nhãn với giá dao động từ 11.000 - 14.000 đồng/kg.

Xác định tầm quan trọng của cây nhãn, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất nhãn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản, chuyển đổi cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Tính đến nay, huyện Sông Mã có trên 7.500 ha cây nhãn, chiếm trên 70% diện tích cây ăn quả của huyện, chủ yếu là giống nhãn T6 và nhãn thiết miền, sản lượng năm 2023 ước đạt trên 70.000 tấn. Mặc dù nhãn chín sớm cần đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn nhưng lợi nhuận thu hề cao gấp vài lần so với nhãn chính vụ. Nhờ đó, nhiều hộ trồng nhãn đã thu lãi từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm.

Hiện, toàn huyện Sông Mã đã được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích gần 500 ha, trong đó 9 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 16 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Ngoài ra, còn có gần 3.000 lò sấy long nhãn, công suất chế biến từ 1.500 - 2.000 tấn quả tươi/ngày. Năm 2023, dự kiến sẽ đưa vào chế biến khoảng 25.000 tấn quả tươi.

nhan-son-la-2-1690893830.jpg
Sau khi thu hoạch, nggười dân phân loại, bó nhãn để bán (Nguồn: video của https://sonlatv.vn/)

Để sản phẩm nhãn Sông Mã có chỗ đứng vững chắc, xuất khẩu bền vững được sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường quốc tế có yêu cầu chất lượng khắt khe thì việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn là hết sức quan trọng và cần thiết đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân tại huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

Địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic,… tới tất cả các HTX, các hộ nông dân. Sản phẩm đạt các tiêu chuẩn này sẽ tạo sự an tâm cho người tiêu dùng về chất lượng. Đây được coi như tấm vé thông hành để sản phẩm nhãn của huyện lưu hành trên toàn quốc và xuất khẩu. Bên cạnh bán nhãn quả tươi, long nhãn, các doanh nghiệp, HTX có thể nghiên cứu đa dạng hóa sang các sản phẩm khác như: nước ép nhãn, nhãn sấy dẻo nguyên quả,… Đồng thời, cần có sự hỗ trợ, khuyến khích các HTX làm bao bì cho sản phẩm của mình, thể hiện được sự chuyên nghiệp, khẳng định được chất lượng, để người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sản phẩm.

Mặt khác, huyện cần tiếp tục quảng bá xây dựng thương hiệu, tổ chức nhiều hơn các hoạt động kết nối xúc tiến thương mại cho nông sản để thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khẳng định thương hiệu nhãn Sông Mã đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thông tin: “Huyện chỉ đạo các xã, HTX phát triển diện tích cây ăn quả theo hướng liền vùng liền khoảnh, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng mẫu mã theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đặc biệt thời gian tới sẽ khảo sát, lựa chọn xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích nhãn trên địa bàn, đưa diện tích nhãn đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, yêu cầu thị trường”.
Anh Thư- Hoàng Hà (t/h)