Sắp diễn ra hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”

Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng của ngành lúa gạo Việt Nam cũng như các giải pháp về công nghệ và vốn cho ngành lúa gạo Việt Nam.
backchuphinh-1698933277.jpg
Sắp diễn ra hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023 xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022. Ước 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.

Thị trường lúa, gạo đang trải nhiều biến động và trong suốt thời gian qua giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Giá lúa, gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro như năm nay, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.

Để có thể kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024 được tốt hơn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp, cộng với vốn tín dụng khó khăn nếu các ngân hàng có thể thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo lúc đó sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp được tốt hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam, theo các chuyên gia cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề sau thu hoạch của hạt gạo cũng như các giải pháp công nghệ cho ngành lúa gạo.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam bị thất thoát từ 14-35%, trong đó, ngành lúa gạo thất thoát khoảng 14%/năm. Thất thoát sau thu hoạch xảy ra ở tất cả các khâu nhưng khâu sấy là còn cao nhất, mặc dù số lượng máy sấy đã đáp ứng từ 80-90% nhu cầu, nhưng do phần lớn lò sấy ở Việt Nam chưa tự động hóa và phụ thuộc vào kỹ năng của người vận hành. Nếu người vận hành không có kỹ năng sẽ làm cho nhiệt độ và tốc độ sấy cao làm hạt lúa bị rạn nứt,… ảnh hưởng lớn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, để giữ cho chất lượng hạt lúa vẫn tươi mới, thơm ngon không bị mất phẩm chất từ khi thu hoạch đến đến tay người tiêu dùng không có giải pháp nào ngoài việc áp dụng công nghệ, vì trên thực tế, các yếu tố cấu thành để nâng cao thu nhập của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi lúa gạo không còn nhiều “dư địa”.

Trong bối cảnh đó, để có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng của ngành lúa gạo Việt Nam và tìm giải pháp về công nghệ cũng như giải pháp về vốn cho ngành lúa gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, BizLIVE phối hợp tổ chức hội thảo thường niên “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra từ 8-11h30 ngày 3/11/2023 tại Khách sạn Sheraton Cần Thơ, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; bà Lê Thị Thuyền Quyên - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Chi nhánh TP.Cần Thơ; bà Trần Thanh Bình - Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; TS. Phạm Văn Tấn - nguyên Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP); ông Phạm Quang Diệu - Kinh tế trưởng Công ty AgroMonitor; Ông Jens Vinther Jensen - Giám đốc điều hành FFT; ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty lương thực Phương Đông; ông Cao Thành Đạt - Quản lý kinh doanh giải pháp chế biến lúa gạo Bühler Việt Nam.

Cùng đại diện các doanh nghiệp trong ngành cung ứng và xuất khẩu lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL; Đại diện các cơ quan Liên minh HTX, trung tâm xúc tiến thương mại và Hội nông dân Cần Thơ; Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

P.V