Sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận là chìa khóa mở cửa thị trường

Nhu cầu về sản phẩm hữu cơ còn rất lớn nên sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận là chìa khóa mở cửa cho thị trường của Việt Nam. Theo ước tính, thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu, giai đoạn 2019-2024 được duy trì ở mức 9%/năm.
san-pham-huu-co-1686640949.jpg
Sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận là chìa khóa mở cửa thị trường của Việt Nam.

Sản xuất hữu cơ tiêu chuẩn chính là chìa khóa mở cửa thị trường cho Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) Việt Nam có hơn 50 công ty, doanh nghiệp được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cho các mặt hàng như rau, củ, dừa và sản phẩm từ dừa, trái cây sấy, gạo… xếp hạng 51/179 quốc gia cung cấp sản phẩm hữu cơ vào thị trường này.

Ðể xuất khẩu thành công, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm được các nhà nhập khẩu hữu cơ chuyên nghiệp, có uy tín thông qua các hội chợ (ví dụ như Biofach hoặc Fruit Logistica ở EU) hoặc danh bạ các công ty buôn bán thực phẩm hữu cơ có uy tín để trao đổi, giới thiệu sản phẩm hiện có hoặc sản phẩm tiềm năng sản xuất tại Việt Nam.

Họ sẽ tư vấn về thủ tục và đặt hàng theo tiêu chuẩn phù hợp với thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin thị trường, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, xây dựng được thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Châu Âu cũng cần sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam, theo Ủy ban châu Âu về sản phẩm hữu cơ (ECOP) trong thập kỷ qua, thị trường hữu cơ EU đã tăng thêm 60%, hiện nay cung đang không đủ cầu, như tại Thụy Ðiển nhu cầu tăng hơn 20% mỗi năm.

Dự án EU-MUTRAP cho thấy: Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 148 triệu USD rau quả sang EU. EU không yêu cầu phải đánh giá rủi ro về sâu bệnh, không bắt buộc chiếu xạ đối với rau quả nhập khẩu, đặc biệt thuế xuất với đa số rau quả của Việt Nam đã về 0% từ 1-8-2020, nhưng cũng nên nhớ rằng, sản phẩm hữu cơ luôn là phân khúc có giá cao ở thị trường này.

EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô khoảng 35 tỉ Euro/năm, trong đó nhu cầu với rau quả nhiệt đới, rau quả hiếm lạ ngày càng cao. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường EU chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của khối và cả Anh Quốc chưa chiếm tới 1%.

Dư địa phát triển còn rất lớn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, nhưng có vẻ như sự chuyển động vẫn còn quá chậm.

Hà Lan là cửa ngõ của EU, là điểm trung chuyển đi khắp lục địa với hệ thống logistics và vị trí địa lý thuận lợi nhất nhưng các mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn rất ít. Chúng ta không chỉ mở rộng vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến tiêu chí về thân thiện với môi trường và trách nhiệm với xã hội vì đây là những yếu tố đang được châu Âu quan tâm.

Theo dự báo mức tăng trưởng thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu, giai đoạn 2019-2024, được duy trì ở mức 9%/năm. Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất, tiếp theo là châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2026, chỉ riêng thị trường rau quả sẽ tăng lên con số 437,36 tỉ USD.