Quảng cáo #128

Sản phẩm OCOP góp phần nâng tầm kinh tế nông thôn

Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp. Từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường, góp phần nâng tầm kinh tế nông thôn.
mo-hinh-trong-dua-vang-1709100027.jpg
Mô hình trồng dưa vàng tại huyện Nga Sơn đang nở rộ trong những năm qua.

Chương trình OCOP đã được triển khai sâu rộng tại trên khắp cả nước. Tại Thanh Hóa, thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm đã tạo hiệu ứng tích cực, qua đó hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Sau 5 năm triển khai, Thanh Hóa đã phát triển được 469 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có thêm 153 sản phẩm OCOP. Với kết quả này, tỉnh Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Trong đó, toàn tỉnh có 30 sản phẩm OCOP xuất khẩu.

Theo tìm hiểu cho thấy, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP các sản phẩm đều tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, doanh thu bán hàng khoảng 15 - 20%. Không chỉ có vậy, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, với nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị uy tín trên cả nước.

Ghi nhận tại huyện Nga Sơn, một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Với sự với sự nỗ lực của lãnh đạo các cấp trong quá trình vận động, tuyên truyền người dân chung tay thực hiện OCOP. Sau 5 năm triển khai thực hiện, huyện đã vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, huyện đang trình Trung ương công nhận 3 sản phẩm xếp hạng 5 sao.

Nhằm góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh của các làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sinh kế cho người dân. Những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn đã tích cực đổi mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm hướng “xuất ngoại” cho các sản phẩm làng nghề.

chieu-coi-nga-son-1709100167.jpg
Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty xuất khẩu Việt Anh đang kiểm tra lô hàng chuẩn bị xuất khẩu.

Trong đó phải kể đến Công ty CP Sản xuất chế biến Cói xuất khẩu Việt Anh (đóng trên địa bàn xã Nga An), một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc cải tiến, nâng tầm sản phẩm truyền thống từ cây cói để trở thành những mặt hàng tiêu dùng được ưa chuộng khắp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, khi mặt hàng của Công ty được công nhận là sản phẩm OCOP đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ tại nước ngoài. Hiện công ty đã được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường quốc tế, như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Áo, Úc, Cộng hòa Séc,...

Hiện nay, Công ty Việt Anh có 5 sản phẩm làm bằng nguyên liệu từ cói đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Công ty đang tiếp tục nâng cấp hoàn thiện 3 sản phẩm lên hạng OCOP 5 sao. Qua đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Bên cạnh các sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cói, huyện Nga Sơn cũng phát huy tiềm năng từ đất đai, thổ nhưỡng để phát triển sản phẩm OCOP từ quả dưa, như: “Dưa lưới Vạn Hoa”, “Dưa vàng Vạn Hoa”; “Dưa hấu xứ đảo Mai An Tiêm” đã được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao và các sản phẩm OCOP 3 sao khác của các hộ sản xuất kinh doanh.

Để đạt được kết quả trên, những năm qua huyện Nga Sơn luôn xác định mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, huyện cũng tạo các cơ chế hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ, hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh..., như: hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng nhà lưới, nhà màng 70 triệu đồng/1.000m2; hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến sản phẩm OCOP.

Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nga Sơn cho biết: “Chương trình OCOP được triển khai đã tạo bước tiến mới cho ngành nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn. Đặc biệt, sau khi triển khai sản phẩm OCOP, nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, tập trung phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn phát triển thành hàng hóa, thậm chí là mặt hàng xuất khẩu”.

Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nghiệp nông thôn, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Qua đó, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp lên một tầm cao mới./.

Hà Khải - Kim Nguyên