Sân bay LiBi chứng tích chiến tranh giữa lòng hồ Kẻ Gỗ

Sân bay Libi (gọi tên theo tên của một khe nước trong khu vực) là một sân bay dã chiến được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh tại Miền Trung nay thuộc hệ thống lòng hồ Kẻ Gỗ ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Hồ Kẻ Gỗ Hà Tĩnh tuy là hồ nước nhân tạo nhưng lại có vẻ đẹp nguyên sơ, hữu tình không kém gì những hồ nước tự nhiên. Du khách đến đây sẽ thấy những dãy núi, ngọn đồi xa xa tạo thành những bờ đê tự nhiên cho hồ, khung cảnh xanh mát phủ kín cây xanh. Thấp thoáng giữa hồ là một vài chiếc thuyền nhỏ của ngư phủ khiến ta cảm nhận rõ đời sống thanh bình, giản dị. Ẩn sâu trong vẻ đẹp đó là chứng tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt sân bay Libi.

1-1647253407.jpeg

Vẻ đẹp thiên nhiên mê hoặc của lòng hồ Kẻ Gỗ.

Giai đoạn năm 1971-1973 để tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, một kế hoạch bí mật bao gồm xây dựng tuyến đường 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành. Đường 22 được mở nối ngã ba Thình Thình chạy qua khu vực hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình, là công trình đã ghi dấu những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong. Trong khi đó, sân bay dã chiến Libi, được gọi tên theo tên của một khe nước trong khu vực này, có lẽ đã được chuẩn bị cho các kế hoạch quân sự quan trọng khác mà cho đến nay vẫn còn đang trong vòng bí mật. Để thực hiện các công trình này, hàng nghìn thanh niên xung phong đã được huy động.

Sau năm 1975, nhà nước đã gấp rút cho xây công trình hồ Kẻ Gỗ và vẫn còn rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ. Tài liệu về sân bay Libi ở hổ Kẻ Gỗ vẫn là bí mật. Ngày nay, tại khu vực này vẫn còn dấu tích của hàng trăm hố bom lớn nhỏ. Khi mực nước xuống thấp, có thể nhìn thấy dấu vết của đường băng cũ.

Và cũng từ đây, chiến trường ác liệt năm xưa, cùng rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ. Vai trò lịch sử của hồ Kẻ Gỗ đối với nền nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế Hà Tĩnh nói chung trong hơn 4 thập kỷ qua thì không cần bàn cãi, nhưng việc chưa làm tròn nghĩa vụ với các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi trở thành một “dấu lặng” trong lòng những người ở lại.

2-1647253407.jpg

Đường băng của sân bay giao cắt với đường 22.

Năm 2005, khi nước hồ xuống thấp, một số người đánh cá phát hiện dấu tích các ngôi mộ. Đến nay, xã Cẩm Mỹ và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã di dời được hàng chục hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên, nhưng có thể vẫn còn rất nhiều hài cốt mãi mãi nằm lại trong dòng nước.

Những năm gần đây, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã và đang nỗ lực để không chỉ vận hành hồ chứa nước một cách hiệu quả nhất mà còn tái tạo, phục hồi những cánh rừng xung quanh lòng hồ, để lấy lại sự đa dạng về hệ động thực vật nói chung. Gần đây, cũng bắt đầu xuất hiện những kế hoạch đầu tư để biến khu vực này thành một địa chỉ du lịch cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thừa nhận, phần lớn những ai đến với khu vực sân bay đều cảm nhận được sự linh thiêng riêng có ở nơi này. Ông Ninh cho biết, kể từ thời điểm xây xong ngôi miếu nhỏ và tổ chức được việc hương khói thường xuyên, các công việc chung của Ban cũng như của người dân trong vùng đều thuận lợi hơn, như được sự chở che vô hình từ thế giới tâm linh.

3-1647253407.jpg
Dấu tích hàng trăm, hàng ngàn hố bom vẫn còn nguyên vẹn trên sân bay LiBi.

Mong muốn của Ban quản lý là có thể một ngày nào đó, có điều kiện xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này.

Máu xương không bao giờ là để so sánh, cũng như tri ân không bao giờ là đủ. Nhưng, khi chứng kiến những hoạt động tri ân đã và đang được tiến hành một cách khá quy mô và giàu ý nghĩa trên khắp dải đất Việt Nam, thực tình cũng có chút chạnh lòng khi tìm về Kẻ Gỗ.

Nhưng chúng tôi vẫn đang hy vọng, với thành ý của các cán bộ và nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, sớm muộn rồi sẽ có những người cùng chung tâm nguyện tìm về để chứng tích này không bao giờ đi vào quên lãng.

Lê Cử - Ngọc Ký