Ra mắt Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức tại Việt Nam

Ngày 19/7/2022, Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức tại Việt Nam đã chính thức được ra mắt. Đây là dự án do Phòng Công nghiệp & Thương mại Đức (GIC/AHK) tại Việt Nam quản lý và được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp & Thực phẩm Đức (BMEL). Mục tiêu hướng đến là hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực Nông nghiệp và Thực phẩm có nhu cầu tham gia, mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Đức được biết đến là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu với kim ngạch hai chiều tăng dần đều trong 10 năm qua. Kim ngạch thương mại 2 nước kể từ năm 2010 đến nay đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD với mức tăng bình quân trên 10%/năm. Năm 2020, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, còn Đức tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Bjorn Koslowski, Phó Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp & Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết: “Ngành nông nghiệp và thực phẩm của Đức có vị thế tốt trong cạnh tranh quốc tế. Đức đứng thứ ba về xuất khẩu nông sản trên toàn thế giới trong nhiều năm qua và là nhà xuất khẩu hàng đầu về các mặt hàng bánh kẹo, phô mai, thịt lợn và công nghệ sản xuất nông nghiệp. Việc thành lập và ra mắt Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức tại Việt Nam ngày hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa 2 nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm”.

1-1658310758.jpg
Ông Bjorn Koslowski, Phó trưởng đại diện Phòng Công nghiệp & Thương mại Đức tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức.

Đặc biệt, người Đức rất coi trọng đến chất lượng thực phẩm được sản xuất trên lãnh thổ của mình. Tiêu chuẩn của Châu Âu nói chung và của người Đức nói riêng về chất lượng và an toàn thực phẩm được đánh giá thuộc hàng nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam từ xưa đến nay không lạ với chất lượng hàng hóa đến từ Đức, từ máy móc thiết bị, công nghệ cho sản xuất công nghiệp cho đến hàng tiêu dùng như thiết bị gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng thực phẩm Đức, người tiêu dùng Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn thực phẩm ngon, sạch, bổ dưỡng, chất lượng cao “Made in Germany” được nhập khẩu từ Đức.

Bà Đoàn Bích Phượng, Chủ nhiệm Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp & Thực phẩm Đức đặt ra cho Trung tâm chúng tôi là ngày càng đưa nhiều các nhà xuất khẩu Đức đến tham gia mở rộng thị trường tại Việt Nam, dưới sự tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Về nông nghiệp, chúng tôi không chỉ giới hạn ở việc giới thiệu các nông sản thế mạnh của nước Đức mà còn là máy móc thiết bị kỹ thuật nông nghiệp, trong tương lai khi điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu”.

“Tiêu chí của chúng tôi khi thành lập Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức tại Việt Nam là hỗ trợ các nhà xuất khẩu Đức. Chúng tôi sẽ chủ động đưa các sản phẩm chất lượng cao từ Đức và các nhà cung cấp đến với thị trường Việt Nam. Bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào có nhu cầu tìm nhà cung cấp cho sản phẩm mong muốn hoặc có thắc mắc, đều có thể liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ. Đặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp, thực phẩm đến từ Đức”, bà Đoàn Bích Phượng cho biết thêm.

2-1658310810.jpg
Bà Đoàn Bích Phượng, Chủ nhiệm Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm Xúc tiến hàng Nông nghiệp và Thực phẩm Đức.

Được biết, Phòng Công nghiệp Đức & Thương mại Đức (GIC/AHK) tại Việt Nam đã, đang thực hiện vai trò là cầu nối giao thương, gắn kết, hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh, kết nối và mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam từ hơn 25 năm qua ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, GIC/AHK đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa 2 quốc gia nói riêng và EU nói chung.

Đạm Quang Lê