Ra mắt Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi

Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
kt-16554546454242015857913-1655522647.jpeg
Hệ thống CSDL ngành chăn nuôi là nền tảng giúp kết nối chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Ngày 17/6, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức lễ ra mắt Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi (Hệ thống).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, theo lộ trình xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) nông nghiệp, nông thôn, năm 2022, Bộ đã chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số.

Trong đó, Hệ thống đã được Bộ phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và triển khai thử nghiệm tại một số địa phương, là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh trạnh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Hệ thống cũng là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi; giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Còn người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp.

Bộ NN&PTNT đánh giá cao trong việc phối hợp, thử nghiệm của các địa phương, các đơn vị chủ trì thuộc Bộ, cũng như các sàn thương mại điện tử Vỏ sò, Postmart, dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố và Bộ TT&TT... để có được hệ thống CSDL thông suốt từ hộ chăn nuôi, đến cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Thời gian tới, đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn nữa để triển khai thành công CSDL ngành chăn nuôi nói riêng và cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng chính phủ số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số nông nghiệp và xây dựng nông thôn số, nông dân số".

Còn Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Nếu phải lựa chọn một từ khoá quan trọng nhất để mô tả về chuyển đổi số thì đó là dữ liệu. Bởi có dữ liệu thì cơ quan quản lý mới nhìn thấy được các đối tượng được quản lý, có dữ liệu mới nhìn mô hình tổ chức, tối ưu hoá vận hành, mới từng bước thông minh hoá trí tuệ nhân tạo.

Sự ra đời của Hệ thống đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Hoạt động dữ liệu phải đi nhanh trước một bước, thông tin phải chính xác, sạch và luôn luôn cập nhật. Cùng với đó là sự liên thông, chia sẻ, tạo sự lan tỏa.

"Việc khai trương Hệ thống rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số sắp tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2022. Bộ TT&TT tin tưởng, Hệ thống sẽ góp phần thiết thực trong thúc đẩy và phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Thao tác nhanh, đơn giản

Ông Đặng Đình Quyết (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) cho biết về quy trình cập nhật hệ thống: "Sau khi tiếp nhận thông tin đăng ký từ doanh nghiệp, chúng tôi chỉ mất chưa đến 1 phút là đã đăng ký xong tài khoản cho doanh nghiệp truy cập vào Hệ thống".

Các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi chỉ cần khai báo chính xác sẽ được xử lý rất nhanh chóng. Việc này cũng giúp các chi cục chăn nuôi tại các tỉnh, thành phố có ngay được số liệu thống kê chuẩn xác, đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành quản lý nhanh, hiệu quả nhất.

Để triển khai thực hiện Hệ thống, thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên CSDL về thức ăn chăn nuôi và CSDL về cơ sở chăn nuôi.

Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật CSDL đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…

Theo Đỗ Hương/Báo điện tử Chính phủ