Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong Top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu PCI 2022 với điểm số 72,95 trên thang điểm 100. Đây là năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh liên tiếp giữ vị trí "quán quân" về chỉ số PCI.

Sáng 11/4/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022…Theo đó, kết quả Bảng xếp hạng PCI 2022 cho thấy, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Đây là năm thứ 6 liên tiếp địa phương này xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp… Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực, cụ thể, trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.

pci-2023-1681199763.jpg
Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

Xếp thứ 2 trên Bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh. Trong những năm gần đây, Bắc Giang tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Vị trí thứ 3 thuộc về TP. Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.

Theo kết quả PCI 2022, 89% doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại Thành phố”.

TP. Hải Phòng thuộc nhóm có những chỉ tiêu tốt nhất cả nước. Bước sang năm 2023, Hải Phòng bắt đầu triển khai mô hình “kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.” Mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh.

Đứng ở vị trí thứ 4 là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.

Bà Rịa – Vũng Tàu có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.

Đứng vị trí thứ 5 trong Top đầu Bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Từ năm 2007 đến nay, Đồng Tháp đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân.

40ee23f6fb1f27417e0e-1681199885.jpg
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại sự kiện

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm 2022, khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của tổng cộng của gần 12.000 doanh nghiệp. Điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp.

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.

Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho biết, các điểm chưa được như kỳ vọng là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.

Đồng thời, như từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI đánh giá, dù còn những điểm chưa được như kỳ vọng nhưng nhìn nhận cả một quá trình dài hạn thì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của 3 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây.

Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế./.

Đông Nghi