Quản lý ngân sách nhà nước tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

U Minh là huyện nghèo thuần nông của tỉnh Cà Mau, nguồn thu ngân sách hạn chế trong khi nhu cầu chi rất lớn. Công tác thu ngân sách Nhà nước được Huyện ủy - UBND huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan khai thác các nguồn thu, chống thất thu, cố gắng hoàn thành theo chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những tồn tại cần khắc phục.

Thực trạng quản lý Ngân sách nhà nước tại huyện U Minh

Trong giai đoạn 2015 - 2019, cơ cấu nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách có thay đổi theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện qua từng năm.

Bảng 1: Quyết toán trên dự toán thu NSNN huyện U Minh 2015-2019

Đơn vị: Triệu đồng

Năm

Tổng quyết toán thu

Tổng dự toán thu

Tỷ lệ

2015

80.978,714

42.000

192,81%

2016

96.144,116

44.500

216,05%

2017

87.066,407

51.600

168,73%

2018

73.560,929

42.000

175,14%

2019

81.488,065

41.500

196,36%

Nguồn: Phòng Tài chính-Kế hoạch U Minh

Qua bảng số liệu cho thấy căn bản kết quả công tác thu cân đối ngân sách huyện tăng đều qua các năm với quy mô hàng năm đều đạt trên 100%, vượt cao hơn dự toán và duy trì ổn định; năm 2019 do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng số thu cơ bản vượt so với kế hoạch giao; mức tăng tương đối cụ thể thấp nhất 168,73% đến cao nhất 216,05% tương ứng với số thu thấp nhất là 73.560,929 triệu đồng đến cao nhất là 96.144,116 triệu đồng theo giá trị tuyệt đối.

Cơ cấu dự toán thu ngân sách huyện chủ yếu là dựa vào nguồn thu bổ sung từ ngân sách cấp trên, thu cân đối ngân sách huyện chủ yếu là nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất kinh doanh trong nước, nguồn thu này thiếu tính bền vững, một mặt do tình hình thị trường sản xuất nhiều biến động thất thường, mặt khác quan trọng hơn là do dịch bệnh kéo dài. Nguồn thu thuế từ thu khác ngân sách chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu nguồn thu cân đối ngân sách huyện, nguồn thu này có mức tăng hàng năm nhất, cần có giải pháp tăng cường quản lý nguồn thu này nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ.

bieu-do-1-1633234066.png
Biểu đồ 1: Quyết toán trên dự toán thu NSNN huyện U Minh 2015-2019

Nguồn: Phòng Tài chính-Kế hoạch U Minh

Nhìn chung U Minhhuyện có nguồn thu trung bình; số thực tế thu các năm đều vượt so với dự toán thu, mức thu thực tế năm sau đều cao hơn so với năm trước. Có được thành công này là do các nguyên nhân có thể kể đến như sau: Kinh tế trên địa bàn đã có những bước phát triển khá mạnh, làm tăng các khoản thu theo luật, trong đó đặc biệt là các khoản thu từ thuế và lệ phí. Các khoản thu biện pháp tài chính tăng trong đó chủ yếu là thu từ tiền giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên công tác lập dự toán còn chưa được sát với thực tiễn với tình hình kinh tế - xã hội huyện.

Bảng 2: Quyết toán trên dự toán chi NSNN huyện U Minh 2015-2019

Đơn vị: Triệu đồng

Năm

Tổng quyết toán chi

Tổng dự toán chi

Tỷ lệ

2015

375.323,773

230.950

162,51%

2016

418.311,625

242.564

172,45%

2017

435.095,033

308.960

140,82%

2018

551.357,245

331.717

166,21%

2019

488.892,291

348.559

140,26%

Nguồn: Phòng Tài chính-Kế hoạch U Minh

Qua bảng số liệu cho thấy căn bản kết quả công tác chi ngân sách huyện tăng đều qua các năm với quy mô tổng chi ngân sách cũng như tổng chi cân đối ngân sách luôn luôn vượt dự toán (trên 100%) và duy trì ổn định; mức tăng tương đối hàng năm từ thấp nhất là 140,26% đến cao nhất là 172,45% tương ứng với số chi thấp nhất từ 375.323,773 triệu đồng đến 551.357,245 triệu đồng theo giá trị tuyệt đối.

Cơ cấu dự toán chi ngân sách huyện chủ yếu là nguồn chi thường xuyên, khoản chi này chiếm từ 90,5% đến 91,4%, bình quân giai đoạn 2015 - 2019 chiếm 90,8%; nguyên nhân là do huyện bố trí và thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách huyện từ nguồn thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn tăng thu ngân sách huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi phát sinh ngoài dự toán. Dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách huyện còn rất thấp, bình quân chi ngân sách cho đầu tư phát triển giai đoạn 2015 - 2019 tăng 6,8%.

Các khoản chi trả, thanh toán bằng hình thức lệnh chi tiền như: chi cho tổ chức kinh tế xã hội không có quan hệ thường xuyên với NSNN, chi bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới... Phòng Tài Chính - Kế hoạch chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nội dung, tính chất từng khoản chi. KBNN thực hiện xuất quỹ NSNN và thanh toán cho đơn vị sử dụng ngân sách theo nội dung ghi trong lệnh chi tiền. Nhìn chung cơ chế quản lý chi NSNN có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư xây dựng cơ bản, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách huyện. Tập trung đầu tư cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và dạy nghề, An ninh - Quốc phòng, Y tế; chi cho sự nghiệp kinh tế cũng đang là trọng tâm ưu tiên của huyện.

bieu-do-2-1633234066.png
Biểu đồ 2: Quyết toán trên dự toán  NSNN huyện U Minh 2015-2019

Nguồn: Phòng Tài chính-Kế hoạch U Minh

Chi cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và dạy nghề ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi thường xuyên, bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 116,31 %. Điều này thể hiện sự quan tâm của quan tâm lãnh đạo tới sự nghiệp giáo dục; nhờ đó chất lượng giáo dục phát triển toàn diện và vững chắc.

Chi An ninh - Quốc phòng, chi sự nghiệp Y tế ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi thường xuyên, bình quân đạt 158,04 % và 121,88 %; điều này chứng tỏ huyện đang tăng cường công tác củng cố An ninh - Quốc phòng, công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được nâng lên. Trung tâm y tế dự phòng huyện, Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; các trạm y tế các xã được tăng cường đầu tư về trang thiết bị khám chữa bệnh, chính sách kêu gọi nhân lực chất lượng cao được quan tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị.

Chi sự nghiệp kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2019 chiếm tỷ lệ 300,17 %; chi sự nghiệp kinh tế chủ yếu tập trung vào trợ giống, chuyển đổi cây trồng vật nuôi; hoạt động bảo vệ rừng; hoạt động tu bổ, sửa chữa thường xuyên đường giao thông, nhà ở, ánh sáng công cộng ở địa phương; chi sự nghiệp kiến thiết thị chính: duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, cải thiện vệ sinh môi trường...

Định hướng và giải pháp hoàn thiện quản lý NSNN tại huyện U Minh

Trước yêu cầu thực tại trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế xã hội và công tác quản lý tài chính ngân sách giai đoạn hiện nay đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý ngân sách cấp huyện, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc hoàn thiện công tác quản lý ngân sách Nhà nước tại huyện U Minh trong thời gian tới cần dựa trên các quan điểm định hướng như sau:

- Tăng nguồn thu để đảm bảo nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương: Đổi mới công tác quản lý tài chính ngân sách huyện trước hết là phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế, góp phần tăng nguồn thu NSNN huyện. Thu NSNN tăng, chính quyền địa phương mới có kinh phí nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, góp phần phát triển KT-XH huyện, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

photo-2021-10-03-11-15-46-1633234622.jpg
Vườn quốc gia U Minh Hạ

- Đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế nhằm tăng thu ngân sách, tạo nguồn thu vững chắc. Có chính sách tài chính khuyến khích các doanh nghiệp địa phương tăng khả năng tích lũy, sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, ổn định và tăng trưởng nguồn thu cho ngân sách.

- Chi tiết kiệm và hiệu quả, chống tham ô lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Cân đối chi thường xuyên ở mức hợp lý, tăng chi đầu tư phát triển để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND huyện. Chú trọng tính hiệu lực, hiệu quả của các khoản chi ngân sách, xác định nội dung trọng tâm cần thực hiện chi, đảm bảo kinh tế phát triển đi đôi với công bằng xã hội.

- Đảm bảo thực hiện quy định cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, góp phần thúc đẩy việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực Giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...nhằm đảm bảo huy động có hiệu quả nguồn lực của xã hội, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

- Từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả bộ máy quản lý NSNN. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý tài chính xuống tận các xã, thị trấn, đảm bảo cán bộ đủ năng lực thực hiện công việc.

- Tăng cường nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp đường truyền để người nộp thuế truy cập được nhanh hơn và quá trình tải thông tin, gửi tờ khai cũng được thuận tiện, đỡ mất thời gian, tránh trường hợp như hiện nay các ngày cuối tháng việc nộp hồ sơ qua mạng thường bị nghẽn mạng gây mất thời gian cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở định hướng đó cần thực hiện những giải pháp sau đây:

1. Nâng cao chất lượng công tác lập dự toán NSNN

Lập dự toán phải căn cứ vào chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong năm kế hoạch và những năm tiếp theo; đồng thời lập dự toán ngân sách phải dựa trên những căn cứ khoa học, tiêu chuẩn định mức của nhà nước quy định và dựa trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế tại địa phương.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại này trong lập dự toán thu ngân sách Nhà nước, cần có thời gian thẩm tra, thẩm định dự toán thu ngân sách của cấp chính quyền địa phương; xem xét bỏ cơ chế giao dự toán thu ngân sách mang tính pháp lệnh như hiện nay… Về lâu dài cần phân định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong xây dựng dự toán thu ngân sách. Các cơ quan được ủy quyền giao nhiệm vụ thu, đặc biệt là Chi cục Thuế cần thường xuyên ra soát, đối chiếu nhằm tránh tình trạng bỏ sót nguồn thu. Chi cục Thuế cần chỉ đạo đội thuế các xã phối hợp với địa phương, cụ thể đến từng ấp, từng khóm thống kê đầy đủ các hộ kinh doanh, yêu cầu thực hiện lập sổ thuế đầy đủ, chính xác.

Việc xây dựng và phân bổ dự toán chi ngân sách căn cứ theo tiêu chuẩn và định mức phân bổ ngân sách của năm trước, đảm bảo đúng các chế độ, tiêu chuẩn, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách, đồng thời có tính đến các nhiệm vụ phát sinh trong năm sau và đảm bảo các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh về công tác quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường các biện pháp chỉ đạo và xử lý các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đối với ngân sách cấp huyện, xã.

Tập trung đổi mới công tác lập dự toán, xây dựng định mức chi phù hợp, tăng cường vai trò trách nhiệm cấp cơ sở, nhất là chuẩn bị cho giai đoạn ổn định ngân sách mới cần tập trung rà soát tất cả các nhiệm vụ chi thuộc các lĩnh vực. Dự toán chi đầu tư phát triển phải phục vụ cho mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trung hạn có xác định các mục tiêu hàng năm. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện nghiêm túc chế độ công khai tài chính; mua sắm, sửa chữa tài sản theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước. Thực hiện chi bổ sung dự toán được rà soát, điều chỉnh đảm bảo đủ nguồn. Tăng cường công tác kiểm soát chi qua Kho bạc: Toàn bộ các khoản chi từ ngân sách huyện phải được kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước của huyện, phải có trong dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao.

2. Nâng cao công tác chấp hành thực hiện dự toán NSNN

Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, xác định rõ trọng điểm tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực được xem là thế mạnh của địa phương cần được tạo cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi để huy động mọi nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; phải xem đây là biện pháp cơ bản nhất để nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu, góp phần đảm bảo chuyển dịch thu ngân sách địa phương theo hướng bền vững, giảm tối đa mức độ phụ thuộc vào những nguồn thu không bền vững như thu tiền sử dụng đất và nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về thuế nhằm nâng cao ý thức chấp hành về thuế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính theo hướng rõ ràng, minh bạch. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Tăng cường hỗ trợ người nộp thuế thực hiện cơ chế tự khai - tự tính - tự nộp thuế vào NSNN, triển khai hệ thống nộp hồ sơ khai thuế qua mạng được thực hiện đã tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả sản xuất kinh doanh và tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN; đây là bước chuyển căn bản trong công tác quản lý thu thuế hiện đại.

Tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thuế, để tạo sự đồng thuận giữa cơ quan thuế với người nộp thuế. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm chính trị và phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thuế. Tổ chức kiểm điểm và xử lý nghiêm khắc với những cán bộ quản lý thu thuế tiêu cực, vi phạm pháp luật. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu hoặc kiểm tra kiến thức định kỳ theo từng chuyên đề, từng lĩnh vực khác nhau về thuế, kế toán được tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ sẽ giúp nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ thuế.

Hoàn thiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp theo hướng mở rộng quyền cho các đơn vị này. Tiến tới thực hiện việc giao khoán toàn bộ nhất là giao khoán khoản chi, có nghĩa là các đơn vị được chủ động xây dựng cơ chế chi tiêu nội bộ đảm bảo việc chi tiêu không vượt quá mức khoán chung cho toàn đơn vị.

Tăng cường kiểm soát chi thường xuyên qua KBNN để đảm bảo các khoản chi tiêu đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, tiết kiệm và có hiệu quả.

Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn NSNN; công tác lập quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước, tránh chắp vá.

dao-viet-tam-1633232533.jpg
Tác giả bài viết Đào Viết Tâm

3. Nâng cao công tác quản lý quyết toán NSNN

Quyết toán NSNN phải thể hiện được tính tuân thủ trong việc thu, chi ngân sách. Các phòng, ban, đơn vị quyết toán phải giải trình được việc quản lý thu, chi ngân sách trong năm có tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như đạt được các yêu cầu mà UBND huyện đã đề ra khi quyết định ngân sách hàng năm. Tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện tốt quyết toán ngân sách; đảm bảo báo cáo quyết toán thực hiện theo đúng quy định về thời gian và đủ số lượng báo cáo.

Báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán sử dụng nguồn NSNN, UBND các xã không chỉ dừng lại ở báo cáo thu - chi theo nội dung và hệ thống mục lục NSNN mà phải thể thiện được tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực của các khoản thu - chi NSNN.

Thực hiện nghiêm quy định của Pháp luật về đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn NSNN. Công khai tài chính là một biện pháp không thể thiếu của hoạt động NSNN nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân trong phân bổ và sử dụng NSNN các cấp, góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Công tác thẩm định báo cáo quyết toán của UBND huyện cần phải được tăng cường, không chỉ dừng lại ở thẩm định số liệu thu chi, việc hạch toán, hồ sơ chứng từ... mà cần quan tâm hơn đến tính hợp lý, hợp pháp của từng khoản thu.

Nâng cao hơn nữa vai trò của KBNN trong công tác quyết toán ngân sách huyện, tiến tới giao KBNN thực hiện lập báo cáo quyết toán ngân sách huyện và thẩm tra quyết toán các đơn vị dự toán.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý NSNN

Thông qua công tác kiểm tra, tài chính để nắm bắt nhu cầu thực tế; đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu bức bách, đảm bảo ưu tiên cho con người, cho nhiệm vụ cấp bách phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, dịch bệnh, cây trồng, vật nuôi, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng... Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính như: Phòng Tài Chính - Kế hoạch; Chi cục Thuế; Ủy ban kiểm tra huyện.... Do đó cần xây dựng cơ chế phối hợp phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra ở địa phương để tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Kiện toàn bộ máy thanh tra, kiểm tra, tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức thanh tra, kiểm tra, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, kịp thời khen thưởng cho những người có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác giám sát tài chính, tài sản công, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thanh tra tài chính, chế độ báo cáo thông tin, bảo đảm hoạt động chi tiêu công khai minh bạch, đúng định mức, chế độ qui định.

Cần tăng cường nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện; Giám đốc, Thủ trưởng, kế toán trưởng các ngành, các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Quản lý chặt chẽ, đúng luật tại khu vực mình phụ trách, bảo đảm tuân thủ Luật ngân sách, tuân thủ dự toán Hội đồng nhân dân huyện giao.

Tập trung rà soát lại các văn bản, chế độ không còn phù hợp để đề xuất xây dựng các văn bản mới. Cơ chế mới xây dựng cần phải thể hiện công khai minh bạch, công bằng và rõ ràng, không chồng chéo. Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm các sai phạm được phát hiện để nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra. Tùy theo tính chất, mức độ của sai phạm mà kiến nghị xử lý phù hợp nhằm làm cho công tác quản lý ngân sách đi vào nề nếp.

Mở rộng quyền tự chủ về tài chính cho các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp nhà nước cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng cơ chế “khoán” để tạo động lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn nhân lực tài chính được giao, đồng thời, có tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá số lượng và chất lượng của dịch vụ công mà cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp; gắn chặt cơ chế chi ngân sách với việc “mua” các dịch vụ công cơ bản dành cho người dân, đặc biệt dành cho bộ phận dân cư có thu nhập thấp./.

Đào Viết Tâm                                         (Học viên Sau đại học, Trường Đại học Bình Dương)