Phú Yên: Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Thực hiện Công điện số 258/CĐ-BYT ngày 27/02/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người, UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm về phòng, chống cúm gia cầm.

Cụ thể, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm, phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1).

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kịp thời lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (mắc bệnh) gửi đến Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, chẩn đoán xác định.

Quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý triệt để không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm, phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

ga-1678957286.png
Phú Yên tăng cường phòng, chống cúm gia cầm. (Ảnh: TC Thiên nhiên và Môi trường)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và tổ chức điều tra, xử lý triệt để, hiệu quả ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định. Tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định. Thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm gia cầm ở người; tăng cường phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người, nhất là tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý tại các địa bàn, những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng, tránh, khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến/về từ các khu vực đang có dịch (dịch trên gia cầm và ở người).

Chỉ đạo triển khai tốt công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, cơ quan thú y và các phòng, ban, đơn vị liên quan tại địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch./.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 160 trang trại chăn nuôi với các loài vật nuôi chủ yếu gồm heo, bò, gia cầm…

Trong đó, có 14 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 44 trang trại nuôi heo và 4 trang trại nuôi gà có liên kết với các công ty chăn nuôi theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Đây là bước phát triển mới trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh từ khi thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh, phù hợp lợi thế từng vùng.

Được biết, hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh có gần 172.000 con, đàn heo 120.000 con và đàn gia cầm đạt 4,3 triệu con. Ngoài ra, người dân còn phát triển các mô hình nuôi dê, thỏ, chim yến…

Ánh Dương (t/h)