Phong tục thờ cúng của người Việt đặt hai cây mía bên cạnh ban thờ gia tiên ngày Tết

Ngày Tết, nhiều người thường mua 2 cây mía còn nguyên phần rễ và lá về dựng hai bên bàn thờ, song ý nghĩa thực sự của loài cây này thế nào thì không phải ai cũng nắm được.
k-1707486365.jpg
Cây mía trong phong tục thờ cúng gia tiên của người Việt. (Ảnh minh họa)

Những ngày đầu năm mới, trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình người Việt ngoài mâm ngũ quả đặc trưng còn thấy xuất hiện của một loài sản vật hết sức đặc biệt. Đó chính là cây mía. Đây không phải điều gì mới mẻ nhưng nó gợi lại trong tôi về một nét phong tục, văn hóa hết sức nhân văn, đẹp đẽ trong Tết cổ truyền dân tộc.

Tục thờ mía trong ngày Tết có từ bao giờ quả là một ẩn số khó trả lời đối với lớp hậu sinh chúng ta. Nhưng có lẽ, nguồn gốc của tín ngưỡng đã bắt nguồn từ rất xa xưa.

Mỗi khi Tết đến - xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả đặc trưng, trên khu vực bàn thờ gia tiên của gia đình tôi ở các miền quê còn thường dựng hai cây mía thật to và thẳng. Đối với người Việt, mỗi sản vật được chọn để dâng lên bàn thờ gia tiên đều hàm chứa trong đó những ý nghĩa. Việc cây mía được sử dụng trong nghi lễ thờ cúng trong ngày Tết cổ truyền cũng như vậy.

Cây mía được sử dụng trên khu vực bàn thờ gia tiên phải là cây mía đầy đủ cả thân và ngọn. Cây mía phải thẳng, thân không bị sâu đục, lá không bị quăn. Cây mía có thân màu đỏ tía, khúc đều, có các mắt đang nhú mầm được xem là tốt nhất.

Theo tín ngưỡng của người Việt, cây mía tượng trưng cho cái thang vì có từng đốt giống như từng bậc thang. Cây thang mía giúp vong linh ông bà, tổ tiên về trần gian ăn Tết cùng con cháu. Nguồn gốc của tín ngưỡng này ít nhiều gắn liền với văn hoá nông nghiệp của người Việt từ xa xưa.

Đến ngày nay, tuy không còn phổ biến nữa nhưng phong tục thờ cây mía vẫn được gìn giữ trong khá nhiều gia đình Việt. Mỗi dịp Tết cổ truyền, bên cạnh mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương - ngũ hành, các gia đình thường chọn hai cây mía thật to, thật thẳng để dựng hai bên bàn thờ tổ tiên.

Cây mía tượng trưng cho sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm - dương. Tán lá tượng trưng cho mây, trời. Gốc, rễ tượng trưng cho đất, nguồn cội. Những dóng mía lúc này như những nấc thang nối liền đất - trời, âm - dương, dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới để sum vầy cùng con cháu trong những ngày đầu tiên đầy ý nghĩa của năm mới.

Khi chọn cây mía làm sản vật thờ cúng, cha ông ta đã gửi vào đó những ước mong gắn liền với đặc trưng vốn có của cây mía. Ví dụ như vị ngọt của mía tượng trưng cho vị ngọt của cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp. Cũng từ vị ngọt của mía, người ta mong muốn giữ sự ngọt ngào từ năm cũ sang năm mới để kì vọng mọi việc trong năm mới được êm ngọt.

mia-dnktx-1707486775.jpg
Vị ngọt của mía tượng trưng cho vị ngọt của cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp. (Ảnh minh họa)

Hay như sự rắn chắc, mạnh mẽ vươn cao của cây mía tượng trưng cho sức khoẻ và sự thành công... Chính vì vậy, cây mía không chỉ đơn thuần là sản vật dâng cúng gia tiên mà đã trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của người Việt. Biểu tượng đó nếu được giữ gìn sẽ giúp cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc thêm đậm đà.

Tuy có nhiều cách giải thích khác nhau về tục lạ này, nhưng tựu trung lại cách giải thích nào cũng thể hiện cái tâm hướng nguồn và hướng tới sự tốt đẹp. Và tại nhiều vùng xuôi cây mía sẽ được hạ xuống khỏi khu vực bàn thờ gia tiên sau ngày khai hạ (mùng 7/1 âm lịch).

Nếu như việc mua muối đầu năm mang ý nghĩa vị mặn của muối sẽ giúp xua đuổi những điều kém may mắn trong năm cũ và đem lại sự no đủ, tốt lành trong năm mới thì cây mía cũng mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong văn hóa Tết cổ truyền.

Ngoài ra, tại nhiều vùng tuy không có tục thờ cây mía nhưng sau lễ Giao thừa mía cũng là sản vật được nhiều người chọn mua để lấy may.

Cây mía không chỉ được người Kinh sử dụng trong nghi lễ thờ cúng gia tiên vào ngày Tết Nguyên đán mà cũng được nhiều dân tộc thiểu số khác như Tày - Thái sử dụng khi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Trên cây mía, đồng bào các dân tộc này còn treo trầu cau, bánh trái, giấy bản nhằm dâng cúng tổ tiên.

Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, trầu cau têm giống hình con chim, được xem là biểu tượng gắn kết giữa con người với thần linh. Người ta buộc bốn cây mía vào chân bàn thờ với ý nghĩa vừa thể hiện lộc xuân vừa làm gậy chống cho tổ tiên đi về hưởng lễ.

Cây mía trong quan niệm của người Tày -Thái còn được xem là nấc thang kết nối giữa con người với Mường Trời (Mường Then/phạ); nó còn thể hiện cho các bước phát triển của một kiếp người từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình và kết thúc sự tồn tại của mình bằng cách nở hoa.

Hình ảnh bông mía được xem là sự kết thúc và cũng là khởi đầu một cuộc sống mới. Theo quan niệm tái sinh luân hồi (hạt cây mía chứa cả nhị đực và nhị cái), những bông mía bay vào không trung tựa như cát bụi lại trở về với cát bụi và bắt đầu một kiếp người mới./.

Anh Thư