Phim "Đất rừng phương Nam": Nồng nặc yếu tố “lật sử” vì... tiền?

Bên cạnh những tranh cãi về bối cảnh, nội dung “ngụy tạo lịch sử” trong phim Đất rừng phương Nam, một số ý kiến lo ngại yếu tố “lật sử” bất chấp của bộ phim có thể còn mang mục đích khác.
tran-thanh-1697777600.jpg
Trấn Thành trong vai bác Ba Phi, được thể hiện là một người dân xả thân vì nghĩa. Ảnh: Cáp Vương

Mục tiêu doanh thu và danh tiếng?

Phim Đất rừng phương Nam dự kiến công chiếu vào ngày 20/10, nhưng lại đột ngột ra rạp trước đó cả tuần. Điều bất ngờ có vẻ có chủ đích này càng khiến phim “nổi như cồn” vì dư luận bức xúc về nội dung sai sự thật lịch sử, đề cao vai trò của các hội kín liên quan Trung Quốc như Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn.

Ngay sau đó, nhà sản xuất cam kết sửa các tình tiết của bộ phim, đổi tên Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội, Nghĩa Hòa đoàn thành Nam Hòa đoàn. Thời gian sửa câu thoại, bối cảnh chỉ mất có 2 ngày, nhanh một cách bất ngờ như có sự chuẩn bị trước, trong khi đoàn phim đã dừng bấm máy.

Chính những điểm bất thường này khiến nhiều khán giả đặt ra nghi vấn rằng đoàn làm phim có thuyết âm mưu khi cố tình tạo ra tranh cãi xung quanh những tình tiết đậm dấu ấn Trung Hoa trong phim.

Tóm tắt những yếu tố dẫn tới cáo buộc “lật sử” dành cho phim chiếu rạp Đất rừng phương Nam, thì phim gắn vào nguyên tác bộ phim cũ từ năm 1997, nhấn mạnh rằng nó là sự trở lại của Đất phương Nam ngày xưa. Điều này dẫn tới khán giả sẽ có sự liên tưởng phim mới đối với bối cảnh của tiểu thuyết gốc và bộ phim cũ - là cuộc chiến của người dân Nam Bộ thông qua hành trình của An và con đường Cách mạng. Khẳng định điều này là vì trước đó, theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, “Đất rừng phương Nam” được đánh giá là tác phẩm điện ảnh được xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng “Đất phương Nam”, sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Hình thức truyền thông là như vậy, nhưng thực tế nội dung phim lại đi theo một hướng hoàn toàn mới. Đất rừng phương Nam lần này xây dựng lại câu chuyện, mốc thời gian và bối cảnh nhấn mạnh vào các “hội kín” mang tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn.
Trong phim, hai tổ chức này được xây dựng là hình ảnh những hội chống Pháp, có sự chuẩn bị, có hoạt động kháng chiến, có hành động nổi dậy. Hơn nữa, phim đã đưa khán giả đến nhiều bối cảnh mập mờ để nhấn chìm hoàn toàn vai trò của Việt Minh và phong trào Cách mạng, đưa phong trào của Thiên Địa hội lên làm điểm nhấn. Và, yếu tố gây tranh cãi bắt đầu từ đây.

Trong vai trò người quan sát, khi nhìn tổng quan tất cả những phản ứng tiêu cực, lùm xùm đang diễn ra xung quanh phim thì câu hỏi lớn được đặt ra là: Nội dung bộ phim này là một sự vô ý của đội ngũ biên kịch, một sự PR quá đà hay tất cả là sự sắp xếp có chủ đích?

Nói như vậy bởi, nhà biên kịch Đào Phương Liên cũng từng khẳng định, tranh cãi xoay quanh những chi tiết của Đất rừng phương Nam là tất yếu. Nếu đây là bộ phim chuyển thể, gần như nội dung, các chi tiết phải được giữ nguyên, chỉ khơi sâu thêm tâm lý nhân vật hoặc những chi tiết còn bỏ ngỏ của tác phẩm. Chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, song cũng phải giữ được hồn cốt, tinh thần của thời điểm lịch sử của nguyên tác. Không lẽ một người làm phim lâu năm như Trấn Thành, Nguyễn Quang Dũng lại không biết điều này. Hay chăng là sự sắp xếp có chủ đích?

Một bộ phận khán giả cho rằng đây là sự sắp xếp có ý đồ rõ ràng. Khi soạn thảo kịch bản phim này chắc chắn biên kịch đã chủ đích biến Đất rừng phương Nam thành một chuỗi phim chứ không phải là một phim lẻ. Chính vì thế, đặt ra giả thiết về tổng thể của bộ phim này, các phần tiếp theo sẽ kể tiếp câu chuyện của An và câu chuyện về Cách mạng. Đặc biệt, chúng ta có thể khẳng định rằng, sau sự vụ lần này thì các phần phim phía sau của nó sẽ được điều chỉnh về tình tiết cũng như ngôn từ để tránh gây tranh cãi. Nhưng cú nổ đầu tiên về hiện tại của bộ phim chính xác là bám vào nguyên tác nhằm mục đích lôi kéo khán giả đến rạp với kỳ vọng của Đất phưng Nam cũ chứ không phải mong muốn xem một bộ phim với tâm thế hoàn toàn mới.

ket-phim-1697777600.jpg
Kết phim là cái kết mở, kèm hứa hẹn “Hành trình vẫn còn phía trước” (Bản chiếu rạp ngày 17/10). Ảnh: Cáp Vương

Tiếp theo, nhiều khán giả thắc mắc tại sao nội dung phim tôn lên vai trò của các tổ chức kia mà nhấn chìm vai trò của các phong trào cách mạng? Về mặt tích cực, có thể cho rằng phim đang cố gắng xây dựng bối cảnh ở thời điểm được coi là phong trào cách mạng còn sơ khai. Đưa ra các phong trào phản kháng trước đó và thất bại. Mục đích là để phát triển con đường cách mạng từ lúc chưa thể hiện được vai trò gì cho tới lúc thành công (dự kiến trong các phần phim tiếp theo). Nhưng mặt khác, điều này cho thấy phim cố tình tạo ra tranh cãi, tranh cãi vì vai trò của Việt Minh hoàn toàn chìm nghỉm trong bộ phim.

Tranh cãi còn nổ ra về chi tiết phim xây dựng và tôn vinh 2 nhóm kín Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn, đều được lý giải bằng yếu tố được cho là “hư cấu”. Tất nhiên, hậu quả của nó là đoàn làm phim đã buộc phải đổi cách gọi của các hội nhóm trong phim để tránh gây hiểu nhầm và phim sẽ được duyệt lại trước khi công chiếu.

Về mặt luật, với những điều được cho là “thuyết âm mưu” này không đưa phim vào tình trạng cấm chiếu vì suy cho cùng, đây là một tác phẩm phóng tác dựa trên một tiểu thuyết và mức độ của nó không phải là đi ngược lại tuyên truyền sai sự thật một cách rõ ràng.

Vậy là bằng một cách vừa đủ, phim nhờ vào tranh cãi, PR bẩn mà thu hút được lượng lớn khán giả, kể cả những người có kỷ niệm với phim cũ và những người đang ở trong độ tuổi có nhu cầu giải trí cao. Trong buổi giao lưu, ra mắt phim “Đất rừng phương Nam” diễn ra tại TP. HCM vào chiều ngày 11/10, Trấn Thành cũng khẳng định phim này phải hơn 100 tỉ đồng mới hòa vốn. Có lẽ anh đang mong chờ tối ưu hóa được doanh thu lẫn danh tiếng vì mức đầu tư được cho là lớn chăng?

Nhận định về điều này, Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Các cuộc tranh cãi quanh bộ phim gần đây không phải là điều bất ngờ. Nhà sản xuất đã có ý đồ tập trung vào doanh thu và mục tiêu thị trường thông qua các vấn đề khác như tôn giáo trong lịch sử, ý đồ chính hay trang phục. Thực tế, càng bàn tán thì phim càng nổi”.

Lợi dụng yếu tố “Tàu” để đi xa hơn?

Xoay quanh vấn đề doanh thu và danh tiếng, đặc biệt là doanh thu, khán giả đặt ra nghi vấn đề tham vọng đưa bộ phim ra quốc tế của đoàn làm phim khi lồng ghép những yếu tố mang đậm chất “Tàu” vào Đất rừng phương Nam.

Với tham vọng sẵn có cùng nhiều minh chứng từ những bộ phim sản xuất trong tay Trấn Thành thì việc phát hành phim ở nước ngoài và mang đi dự thi, khả năng cao sẽ xảy ra. Bằng chứng là trong năm 2022, khi được hỏi về dự án phim “Mai” của mình, Trấn Thành cũng cho biết anh muốn mang "Mai" đi dự thi các LHP quốc tế như Busan, Sundance,... “Tất nhiên, khi đó tôi không nghĩ đến việc đoạt Oscar vì biết chất lượng phim của mình ở mức nào. Nhưng tôi mong một ngày phim tôi đoạt một giải quốc tế, có thể là Busan, Sundance hoặc Quả Cầu Vàng. Đó là động lực giúp tôi phấn đấu”, Trấn Thành từng chia sẻ.

tien-luat-1697777600.jpg
Không chỉ bối cảnh, trang phục và phong thái, thậm chí âm điệu của diễn viên Tiến Luật trong phim vẫn là giọng lơ lớ “ba Tàu”. Ảnh: Cáp Vương

Và có lẽ, khi Đất rừng phương Nam phát hành ở thị trường nước ngoài thì chắc hẳn câu chuyện drama về cái tên bang hội sẽ không còn đáng lo ngại như ở Việt Nam nữa, ngược lại, còn có nhiều cái lợi.

Có thể thấy, phong cách của phim Đất rừng phương Nam lần này là một mô tuýp quen thuộc, dễ được tiếp nhận theo kiểu xã hội đen nghĩa hiệp. Một bang hội sống dưới sự đàn áp, có lý tưởng vùng lên mạnh mẽ với mục tiêu cao đẹp nhưng chưa thể thành công trước một thế lực lớn hơn.

Đặc biệt ở cách làm phim, mỗi cảnh hành động trong phim đều mang màu sắc phim Trung Hoa rất lớn mà chắc hẳn khán giả đã xem phim cũng nhận ra điều đó. Điều này sẽ tạo cho khán giả quốc tế một tâm thế dễ tiếp cận bộ phim hơn khi không cần phải làm quen quá nhiều.

Thêm nữa, cách gọi các “hội kín” là vô cùng nổi tiếng và quen thuộc chắc hẳn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thiên Địa hội hay Nghĩa Hòa đoàn đã được thế giới tiếp nhận rộng rãi thông qua lịch sử Trung Hoa cũng như các bộ phim Trung Quốc.

Với một bộ phim được phát hành ở nước ngoài, đặc biệt là phương Tây hay cụ thể hơn là ở Bắc Mỹ, việc bộ phim không nhắc tới cụm từ Việt Minh sẽ là một điểm cộng cho những khán giả ở trời Tây. Qua đó, việc không nhắc đến Việt Minh hay Cộng sản nhưng nhấn mạnh hai “hội kín” trong phim sẽ khiến bộ phim dễ được tiếp nhận hơn.

Yếu tố trang phục mang hơi hướng Trung Hoa trong bộ phim cũng được nhiều người để tâm đến. Trang phục kiểu người Hoa có lẽ theo ý đồ đạo diễn là nêu lên được sự giao thoa và đa dạng văn hóa ở miền nam Việt Nam thời kỳ đó. Điều này vừa không quá sai lệch so với thời kỳ Nam bộ vốn có sự giao thoa như vậy. Chắc hẳn, ê kíp đã mong muốn rằng yếu tố trang phục sẽ không quá khác biệt trong mắt người Việt, nhưng lại là yếu tố quen thuộc chiều lòng người gốc Hoa ở nhiều thị trường trên thế giới. Theo ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay: “Thông qua xây dựng lần này của Đất rừng phương Nam người xem thấy được miền Nam là nơi có nhiều văn hoá của người bản địa Việt Nam và người Khmer, người Hoa. Một vùng đất hòa hợp có những dân tộc, văn hóa khác nhau cùng khai hoang và gìn giữ, đấu tranh cho vùng đất này”.

Cuối cùng, tham vọng vươn tầm thế giới thì việc tham gia các liên hoan phim và nhắm tới các giải thưởng là điều hiển nhiên. Vậy nên, nếu không có yếu tố Việt Minh cho bộ phim thì sẽ là một cơ hội để bộ phim dễ lọt qua các vòng kiểm duyệt vốn có khả năng được chấm bởi những giám khảo chưa chắc có thiện cảm với chúng ta.

Từ những điều trên có thể nhận định rằng câu chuyện về kịch bản, bối cảnh và cách thức mà đưa ra các hội kín ở trên của Đất rừng phương Nam là một chủ đích của đoàn làm phim, hay cụ thể nhất là của Trấn Thành. Vì theo nhiều thông tin cho biết, bản ra rạp là trực tiếp do Trấn Thành lựa chọn các phân cảnh. Và mục đích để tạo ra một bộ phim với bối cảnh như vậy nhằm tối đa hóa lợi nhuận của bộ phim nếu không muốn nghĩ là còn có những mục đích xa hơn.

Như đã nói, phim cũng là một sản phẩm văn hóa và nên có sự tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc. Mong rằng, Đất rừng phương Nam hay bất kể bộ phim nào, khi gắn với hình ảnh lịch sử dân tộc nên có những tầm nhìn đúng đắn, hướng đi phù hợp để không những mang lại tiếng thơm cho nền điện ảnh nước nhà mà còn là niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam.

Cáp Vương – Lệ Thành