Phát triển từ các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, liên tiếp trong những năm gần đây, huyện Bình Xuyên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung được coi là địa bàn “đất lành chim đậu” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong tương lai gần, kinh tế - xã hội của huyện Bình Xuyên sẽ có nhiều đổi thay lớn với sự chuyển biến tích cực và có bước phát triển vượt bậc.

Bình Xuyên bây giờ không còn là huyện nghèo, cũ như trước, thay vào đó là bức tranh mới với hạ tầng được quan tâm đầu tư trên diện rộng. Đi tới đâu cũng gặp nhà máy, xưởng sản xuất ở trong và ngoài khu công nghiệp... Phần lớn các trường học, trụ sở, cơ quan, trục đường chính vào trung tâm huyện và khu công nghiệp, nhà ở của người dân đã được xây dựng khanh trang, sạch đẹp.

Các con đường lớn nhỏ, khuôn viên nhà xưởng trong khu công nghiệp thuộc địa bàn huyện Bình Xuyên luôn tấp nập công nhân lao động; các xe tải hạng nặng đến đây mua xe máy, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí và nhựa, ống thép, gạch ốp lát, sản phẩm may công nghiệp... để mang đi tiêu thụ khiến cho các khu công nghiệp luôn nhộn nhịp lạ thường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, nhờ triển khai hàng loạt các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư của tỉnh, đến nay Bình Xuyên đã thay đổi khá nhanh và toàn diện. Huyện Bình Xuyên giải phóng mặt bằng 7 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn khoảng 2.000 ha; trong đó, huyện đã 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Vĩnh Phúc có 8 khu công nghiệp hoạt động là Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện và Bá Thiện II và khu công nghiệp Thăng Long –Vĩnh Phúc. Cả 5 khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên đang hoạt động đã có 248 doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau đến đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 3,9 tỷ USD, thu hút tới 64.000 lao động, tăng gấp đôi so với tổng số lao động trong các khu công nghiệp ở huyện Bình Xuyên giai đoạn 2015-2017. Số lao động tại Bình Xuyên hiện chiếm tới hơn 50% tổng số lao động trong các khu công nghiệp toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thu nhập người lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở huyện phổ biến 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

fdi-1-6420-1638352441.jpg
Ảnh minh họa.

Công nghiệp và xây dựng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động. Hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 95%, vượt hơn 5,2% so với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm còn 1,1%.

Không chỉ quan tâm phát triển công nghiệp, huyện Bình Xuyên còn chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại dịch vụ. Cùng với duy trì, phát triển làng nghề mộc Thanh Lãng và gốm Hương Canh truyền thống, huyện tăng cường đầu tư, hỗ trợ các làng nghề phát triển các mẫu mã mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, hoàn thành lập quy hoạch giới thiệu địa điểm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu phát triển kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; quy hoạch phát triển các khu đô thị nhà ở, khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực triển khai cụ thể hóa các quy hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch thêm 3 chợ tại 3 xã, thị trấn là Thiện Kế, Phú Xuân, Bá Hiến. Đến nay, toàn huyện có 806 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; 8/13 chợ nông thôn mới; 4 trung tâm thương mại, siêu thị; trên 8.200 hộ kinh doanh cá thể; 695 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng nghìn cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phân bổ tại các xã, thị trấn.

Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án Trung tâm Logistics ICD do Liên danh Tập đoàn T&T- YCH Group -YCH Holdings đầu tư xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi có tổng diện tích gần 83,8 ha. Cảng cạn này được xây dựng, đưa vào hoạt động không chỉ tạo điểm nhấn cho đô thị Bình Xuyên trong tương lai, mà đặt nền móng vững chắc, khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics của huyện Bình Xuyên, của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, các tỉnh trên hành lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai nói chung.

Năm 2022, huyện Bình Xuyên phấn đấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt 2.584 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 2.500 lao động. Đồng thời, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.../.