Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn. Tỉnh Hưng Yên xác định việc thực hiện chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và cá nhân tham gia. Qua đó, giúp các địa phương phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 195 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng 4 sao, 3 sao. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, các giá trị văn hóa của tỉnh.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao. Dựa theo những tiêu chí đó có thể kể đến như: những vùng trồng nhãn, chuối, nghệ tập trung ở huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được các địa phương quan tâm, chú trọng.

vi-thuy-1-1675905071.jpg
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, Hưng Yên tăng cường triển khai công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: VT

Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và ổn định, thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa...

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng; phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu theo chuỗi giá trị dựa trên tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn giúp nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hoá, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn; duy trì và nâng hạng sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP; tổ chức, đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh hàng năm và giai đoạn 2023-2025.

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

danh-gia-1675905123.jpg
UBND tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh công tác đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BHY

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên phấn đấu có thêm 70-100 sản phẩm OCOP được công nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên 265-280 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. 100% sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn,…hoặc ứng dụng thương mại điện tử khác 100% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP được đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng kinh doanh trên các sản phẩm thương mại điện tử. 100% cán bộ phụ trách về OCOP các cấp huyện, xã; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đang ký kinh doanh tham gia Chương trình được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP.

Tiêu chuẩn hoá, duy trì, nâng hạng và phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Có ít nhất 50% chủ thể sản xuất tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử). Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, theo hướng sản xuất VietGap, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phối hợp tập trung triển khai các giải pháp như: Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành và nâng cao năng lực quản lý, giám sát thực hiện Chương trình OCOP; tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về Chương trình OCOP; tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường, Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; tham gia xây dựng, ứng dụng hệ thống quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.