Phát triển kinh tế bền vững từ những chính sách bảo vệ rừng:

Bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm không chỉ riêng ai (bài cuối)

Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân chứ không phải chỉ riêng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và chính quyền địa phương. Qua đó góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai.
bai-3-1711950034.png
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng đoàn kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kiểm tra vụ phá rừng tại huyện Như Xuân.

Thực hiệm nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm thực hiện, phát huy trách nhiệm nêu gương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, tạo sự chuyển biến tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Thanh Hoá đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng, việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn…

Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chi trả dịch vụ môi trường rừng, ra đời đã thiết lập được một hệ thống chia sẻ lợi ích, thông qua triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đem lại những hiệu quả đáng khích lệ cả về môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội.

Theo đó, Sở NN&PTNN tỉnh đã tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 về ban hành chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình tham gia BV&PTR trên địa bàn 11 huyện miền núi. Xây dựng kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, góp phần làm giảm số vụ, diện tích thiệt hại vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua.

Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã chi trả với số tiền 34 tỷ đồng cho các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng... Bình quân mức chi trả 150.000 đồng/ha/năm (lưu vực cao nhất 300.000 đồng/ha, lưu vực thấp nhất 20.000 đồng/ha.

Trong giai đoạn 2012-2023, quỹ bảo vệ phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh đã thu được 148 tỷ đồng, thực hiện chi trả môi trường rừng trên 400.000 ha/9 huyện miền núi, với 22 chủ rừng tổ chức; 516 cộng đồng dân cư thôn bản và trên 2.500 hộ gia đình cá nhân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đặc biệt, trong thời gian qua, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng và nhân rộng mô hình khu dân cư “3 không” (Không sử dụng cưa xăng, súng săn, bẫy bắt vào việc khai thác, săn bắt động vật rừng trái phép; không tự ý khai thác gỗ rừng tự nhiên làm nhà; không sử dụng lửa bừa bãi trong sinh hoạt, sản xuất để xảy ra cháy rừng) đã đem lại hiệu quả thiết thực, hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên đã được người dân bảo vệ và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, ổn định mức sống cho cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương có rừng.

ho-tro-gao-32-1711950157.jpg
Thanh Hóa, thực hiện hỗ trợ Hơn 1.266 tấn gạo trong công tác bảo vệ, phát triển rừng

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) cho biết: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của TW và Chính phủ về công tác bảo vệ, phát triển rừng, những năm qua, địa phương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, vận động bà con sinh sống gần bìa rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Kịp thời báo cáo để ngăn chặn các vụ vi phạm rừng, qua đó, an ninh rừng trên địa bàn luôn được giữ vững”.

Xử lý nghiêm, tạo tính răng đe

Song song với công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong cộng đồng dân cư trong quá trình bảo vệ, phát triển rừng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng xử lý nghiêm các vụ vi phạm rừng như xâm lấn, khai thác lâm sản trái phép.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 236 vụ vi phạm hành chính, thu nộp NSNN 3,417 tỷ đồng (giảm 56 vụ và giảm 1,027 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022), đạt 85,44% KH; khởi tố hình sự 02 vụ5, TAND huyện đã đưa ra xét xử 01 vụ, 02 bị cáo. Tiếp nhận và giải quyết 05 đơn thư của công dân theo quy định (03 đơn khiếu nại; 01 đơn tố cáo; 01 đơn phản ánh, kiến nghị); 13 bài phản ánh của cơ quan báo chí (giảm 04 bài so với cùng kỳ năm 2022).

Chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho biết, Thường Xuân là một trong những địa phương trọng điểm về an ninh rừng, do nhu cầu về đất đai canh tác đối với các hộ dân sinh sống gần rừng dẫn đến tình trạng xâm lấn, vén rừng tại một số xã trên địa đã xảy ra, nhưng ở mức độ nhỏ lẻ.

Trước nguy cơ trên, đơn vị đã tham mưu cho huyện có những chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

bai-31-1711950298.jpg
Qua công tác tuyên truyền, thực trạng xâm lấn rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm qua đã giảm đáng kể

Đặc biệt, cuối năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân kiểm tra phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng và TAND huyện Thường Xuân đã mở phiên tòa xét xử lưu động với mức án 78 tháng tù, đồng thời phải liên đới bồi thường số tiền là 119.152.400 đồng. Từ vụ án trên cũng đã tạo được tính răn đe cao trong quần chúng nhân dân.

Thông qua những lần xử lý các vụ vi phạm rừng, người dân cũng dần nhận thức ra được giá trị của rừng cũng như tính chất nguy hiểm khi vi phạm pháp luật về rừng. Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi sinh sống và sản xuất gần rừng…

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm viên công tác tại địa bàn cũng thường xuyên tham mưu cho cấp ủy chính quyền thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo vệ rừng. Từ những giải pháp nêu trên cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương thì an ninh rừng trên địa bàn càng ngày càng đi vào ổn định hơn.

Để rừng phát triển bền vững, ngoài việc chấp hành nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ đạo của Thủ tướng về đóng cửa rừng tự nhiên. Mỗi chúng ta cần phải chung tay vào cuộc để giữ lại sắc xanh cho mỗi cánh rừng, không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi đi môi trường sống của nhân loại./.

Hà Khải