Bài nghiên cứu khoa học

Phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển bền vững ở Tây Bắc

Bài viết "Phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển bền vững ở Tây Bắc" do nhóm phóng sinh viên: Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Nam Hoàng, Lê Thành An, Bùi Trung Hiếu (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.
TÓM TẮT: Bài nghiên cứu tập trung vào việc phân tích các tiềm năng phát triển du dịch cộng đồng ở Tây Bắc với các yếu tố như con người, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử,.. Qua đó làm rõ hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng tại vùng Tây Bắc và và chỉ rõ những lợi ích mà mà loại hình du lịch này mang lại cho các bên tham gia. Từ đó đưa ra chính sách phát triển phù hợp nhằm phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển bền vững ở Tây Bắc. Từ khóa: Du lịch cộng đồng, du lịch Tây Bắc, Tây Bắc.

1. Đặt vấn đề
Du lịch cộng đồng đã, đang và sẽ là một trong những xu hướng du lịch quan trọng trong thế kỷ 21. Việc phát triển du lịch cộng đồng hứa hẹn đem lại cơ hội cho sự phát triển bền vững của các vùng nghèo, dân cư nông thôn, vùng dân tộc thiểu số sinh sống, các làng nghề, vùng nông thôn,... Đặc biệt, du lịch cộng đồng sẽ giúp tạo động lực và điều kiện để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, thiên nhiên địa phương, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của vùng trong và ngoài nước.
Tây Bắc là khu vực đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả nước khi đón hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước mỗi năm. Đồng thời, du lịch cũng là ngành kinh tế quan trọng nhất của Tây Bắc. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở Tây Bắc hiện nay vẫn dựa nhiều vào các giá trị tài nguyên thiên nhiên, các cảnh đẹp hùng vĩ và mang tính chất tự phát cũng như sự đầu tư không đồng bộ giữa các điểm du lịch. Các bản làng và sự đa dạng trong văn hóa của các cộng đồng dân cư Tây Bắc là nét đặc trưng của du lịch mang lại cho phát triển chung. Việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng sẽ tạo ra diện mạo mới cho du lịch Tây Bắc, nâng cao hiệu quả về mặt kinh tế, tạo công ăn việc làm, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa cộng đồng của địa phương.

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Dữ liệu
Nguồn dữ liệu nghiên cứu được tác giả sử dụng từ các nguồn chính như sau: từ các nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học về các vấn đề liên quan đến đối tượng nghiên cứu tại vùng Tây Bắc, các nghị quyết, quy hoạch phát triển du lịch, báo cáo hàng năm về phát triển du lịch của ngành và địa phương, các số liệu thống kê từ Cục Thống kê, các dữ liệu và phân tích đến từ các Sở VH,TT&DL. Bên cạnh đó là nguồn dữ liệu có được từ quá trình khảo sát, thông qua hoạt động phỏng vấn các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch tại các địa bàn nghiên cứu.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong bài nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu được sử dụng chính bao gồm phương pháp khảo sát điều tra, phương pháp thu thập và xử lý tài liệu thống kê, phương pháp phỏng vấn. Trong đó, phương pháp khảo sát, điều tra góp phần tiếp cận trực tiếp đối tượng nghiên cứu để thu thập thông tin, hình ảnh, tiến hành phân tích đánh giá về hiện trạng tồn tại của đối tượng nghiên cứu từ đó có nguồn dữ liệu và cách nhìn tổng quan về đối tượng nghiên cứu. Phương pháp thu thập xử lý tài liệu và số liệu thống kê đóng vai trò cung cấp cấp những tài liệu văn bản, số liệu thống kê về tiềm năng, hiện trạng và dự báo phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc. Phương pháp định lượng cũng được dùng để phân tích các khảo sát được thu nhập nhằm giải quyết các vấn đề về du lịch cộng đồng Tây Bắc.

3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Về điều kiện tự nhiên, vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sapa – Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…Vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn thôi thúc lữ khách lên đường rời xa những đô thị sôi động để đến với vùng đất trời rộng mở, hùng vĩ, bình yên và bí ẩn.

Về cộng đồng dân cư, ở Tây Bắc, dân cư phân bố không đồng đều theo địa hình có những lợi thế khác nhau. Ở vùng thung lũng lòng chảo thấp hay vùng bồn địa giữa núi, trước núi là khu vực thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như canh tác lúa nước gắn với thung lũng tạo thành một hệ phức hợp về kỹ thuật, khác với kỹ thuật canh tác lúa nước ở vùng đồng bằng; hoạt đồng chăn nuôi, sản xuất thủ công nghiệp, săn bắt, nuôi và đánh cá, thu nhặt lâm thổ sản. Vùng rẻo giữa hay vùng sườn núi là nơi cư trú của các tộc người nói ngôn ngữ Môn-Khmer như Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun, hoạt động kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy thấp. Vùng rẻo cao mặc dù điều kiện tự nhiên có không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cư dân rẻo cao đã sáng tạo nên các hình thức kỹ thuật canh tác rất đa dạng, kết hợp canh tác khô và cạn, người dân đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang khá kỳ vĩ trong điều kiện của vùng núi cao.

Điều kiện thiên nhiên và dân cư cho thấy Tây Bắc có sự đa dạng về dân cư sinh sống và địa hình. Sự giao thoa giữa các cộng đồng dân cư tạo ra sự đa dạng về văn hóa trang phục, kiến trúc kết hợp với yếu tố thiên nhiên ưu đãi khiến Tây Bắc vô cùng tiềm năng trong phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.

Về văn hóa - lịch sử, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, Tây Bắc còn có nhiều di tích lịch sử hào hùng của dân tộc từ những đời dựng nước và giữ nước: Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La, Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu… Với cộng đồng dân cư đa dạng về dân cư, những lễ hội vùng núi Tây Bắc cũng đầy sắc màu: Lễ hội đua thuyền sông Đà, Lễ hội xên bản xên mường, Lễ hội hoa Ban góp phần tô điểm cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc với cảnh con người, tạo không khí nào nhiệt, đầm ấm cho vùng cao hiểm trở. Làng nghề truyền thống cũng là yếu tố không thể thiếu khi nói tới tiềm năng về du lịch văn hóa Tây Bắc. Những làng nghề như bản Cát Cát còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, với các hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú...Tương tự, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng có nhiều sản phẩm nghề truyền thống. Trong đó, mỗi dân tộc ở mỗi một vùng đều có những sản phẩm thủ công truyền thống riêng, tập trung chủ yếu vào các nghề như gốm sứ, rèn đúc, chạm khắc kim loại, nghề mộc, dệt, thêu, nhuộm, đan lát... Đặc biệt, mỗi một nghề, mỗi tộc người đều có những đặc trưng khác nhau. Có thể nói vùng núi Tây Bắc là “bảo tàng” của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm thủ công truyền thống,... Vì thế mà những tiềm năng để khai thác phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc là rất lớn.

3.2. Hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng
3.2.1. Sức hút của du lịch cộng đồng
Trên thực tế, nhóm đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với hơn 200 người trong độ tuổi 18-25. Trong số những người được khảo sát, gần 48,8% chưa từng đến Tây Bắc. Trong số những người đã từng đến Tây Bắc, 66,3% quay lại Tây Bắc lần thứ hai trở lên. Với những con số này, có thể thấy tiềm năng du lịch của Tây Bắc là rất lớn, đặc biệt hơn là tỷ lệ quay trở lại của du khách khá cao, chứng tỏ Tây Bắc rất hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng để khám phá. Đồng thời, những người thực hiện khảo sát cho biết phần lớn họ bị thu hút đến Tây Bắc bởi khí hậu, khung cảnh thiên nhiên, lối sống của người bản địa và những đặc sản địa phương. Nhưng phần lớn du khách đến Tây Bắc thường chọn hình thức du lịch tự túc. Vì thế để tự mình khám phá Tây Bắc thì rất khó để du khách có được những trải nghiệm trọn vẹn và thú vị nhất.

bieu-do-1-1694851558.png

Mặc dù vậy, sức thu hút của khách du lịch với những địa điểm du lịch cộng đồng là chưa được phổ biến nhưng mô hình du lịch này đang dần dần được chú trọng hơn. Lượng du khách đến Tây Bắc có xu hướng tăng dần theo các năm từ 216.000 du khách vào năm 2010 cho đến 638.700 du khách vào năm 2017. Tính theo tỷ lệ khách du lịch tới Tây Bắc thì tỉ lệ du khách lựa chọn mô hình du lịch cộng đồng chỉ là 11.04% vào năm 2010 và tăng lên 14,16% vào năm 2017. Trong đó, tỉnh Hòa Bình có số lượng khách quốc tế và nội địa tăng nhiều nhất trong bốn tỉnh thuộc tiểu vùng, tiếp đến là các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Một trong những lý do dẫn đến sự chênh lệch về lượng khách như trên là lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống giao thông của tỉnh Hòa Bình, Sơn La thuận tiện hơn so với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Hơn nữa, những tài nguyên văn hóa cộng đồng giữa các tỉnh khá tương đồng nên khách du lịch chỉ cần đi 3 – 4 điểm du lịch cộng đồng trên cung đường là có thể cảm nhận được những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người dân. Do đó, những điểm du lịch cộng đồng ở xa, có cung đường đi lại khó khăn hơn nếu không tạo được những nét đặc trưng riêng thì rất khó có thể thu hút được nhiều khách du lịch cộng đồng đến thăm.

Kết quả trong bảng số liệu cũng cho thấy lượng khách du lịch nội địa luôn lớn hơn khách quốc tế, điều này cho thấy thị trường khách nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch cộng đồng của các tỉnh tiểu vùng Tây Bắc. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, lượng khách nội địa đến các điểm du lịch cộng đồng thường đi theo nhóm khoảng 5 đến 7 người hoặc đoàn thường do các trường học, cơ quan tổ chức, đa phần là khách từ các tỉnh khu vực phía Bắc Việt Nam. Cũng theo báo cáo, nhìn chung, số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch cộng đồng còn thấp, điều này có thể được giải thích là do các điểm du lịch cộng đồng chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thiếu các hoạt động và dịch vụ hỗ trợ bổ sung để giữ chân khách du lịch cộng đồng.

bieu-do-2-1694851730.png

3.2.2. Hiện trạng những dịch vụ phục vụ du lịch tại Tây Bắc
Cũng trong bài khảo sát này, chúng tôi nhận thấy cũng có những vấn đề bất cập trong cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng tại Tây Bắc. Về dịch vụ lưu trú tại Tây Bắc, những người thực hiện khảo sát đa phần hài lòng với giả cả và dịch vụ của những cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú tại đây. Họ cảm thấy thoải mái và hài lòng với những gì họ nhận được so với chi phí họ phải bỏ ra. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những du khách có trải nghiệm không được thoải mái với dịch vụ lưu trú tại đây. Trên thực tế, đã có rất nhiều du khách bị làm phiền, quấy rối khi sử dụng những dịch vụ lưu trú trên đây. Điều này cho thầy chất lượng dịch vụ của những cơ sở lưu trú tại Tây Bắc không đồng đều và thiếu tính định hướng.

bieu-do-3-1694851852.png

Bên cạnh đó, Tây Bắc nổi tiếng với những đặc sản địa phương. Những dịch vụ ăn uống ở tại Tây Bắc cũng vì thế mà rất phát triển. Các nhà hàng, quán ăn ở Tây Bắc chủ yếu được mở theo dạng nhà hàng gia đình và chủ yếu phục vụ những món ăn địa phương. Những du khách khi đi du lịch Tây Bắc cũng cảm thấy rất hài lòng và có những trải nghiệm hết sức thú vị với ẩm thực Tây Bắc. Với hơn 70% người cho rằng những dịch vụ ăn uống ở Tây Bắc khiến họ cảm thấy hài lòng nhưng không có gì quá nổi bật. Chính vì nhà hàng, quán ăn được mở theo dạng gia đình và tự phát khiến cho chất lượng của dịch vụ ăn uống tại Tây Bắc không được nổi bật.

bieu-do-4-1694851977.png

3.2.3. Những vấn đề cốt lõi về du lịch cộng đồng
Dựa trên tình hình thực tế và qua bài khảo sát nhỏ của nhóm, chúng tôi nhận thấy được tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng của khu vực Tây Bắc. Nhưng bên cạnh đó, du lịch Tây Bắc vẫn còn đang gặp những vấn đề cần phải nghiên cứu và đưa ra phương án giải quyết để thực sự thúc đẩy được du lịch cộng đồng tại vùng Tây Bắc.

Đầu tiên đó là sự phát triển chưa đồng đều. Do đặc thù về địa lý, địa hình núi cao, trải rộng, điều kiện giao thông đi lại giữa các điểm đến khó khăn và trình độ phát triển du lịch chưa đồng đều trong vùng, hướng khai thác sản phẩm còn trùng lặp chưa mang tính đặc thù, hạn chế trong khai thác tài nguyên du lịch nên du lịch cộng đồng các tỉnh vùng Tây Bắc thời gian qua mới chỉ phát triển tập trung vào một số khu vực, địa phương đã có “tiếng” trên bản đồ du lịch, dẫn đến tình trạng quá tải vào mùa cao điểm trong khi nhiều địa bàn trong vùng mặc dù có tiềm năng nhưng chưa thu hút được du khách ảnh hưởng tới phát triển du lịch bền vững.

Thứ hai là thiếu tính định hướng. Hiện nay, nhiều điểm du lịch cộng đồng trên cả nước đang trong giai đoạn khởi phát, cần được hỗ trợ phát triển; và cũng có không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt, qua các dự án từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi kết thúc dự án, thì hoạt động du lịch không tiếp tục được duy trì do thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng, không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch… Bên cạnh đó, một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân nhiều khi quá sốt sắng, dẫn đến làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong trào, với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế… Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà trên thực tế còn khiến nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao.

Mặc dù có nhiều sản phẩm nhưng các sản phẩm du lịch cộng đồng ở các tỉnh vùng Tây Bắc nhìn chung còn mang tính đại trà, chưa thực sự gắn với bản sắc của người dân địa phương, dẫn đến việc không tạo được điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Và cuối cùng là hạn chế về nhân lực. Số lượng và chất lượng lao động tham gia làm du lịch cộng đồng còn thiếu và yếu. Người dân phần lớn thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ, trong khi khách du lịch chủ yếu lại là khách nước ngoài.

Đồng thời qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những du khách đã tới Tây Bắc có những mong muốn cải thiện chất lượng đường xá, đa dạng hơn về các phương thức di chuyển và cải thiện về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, những người tham gia khảo sát muốn nhìn thấy hình ảnh của một Tây Bắc với sự phát triển bền vững về cả mặt du lịch lẫn sinh thái: “Cần chú tâm tuyên truyền phát triển du lịch bền vững bằng việc ổn định giá cả (cảm quan cho thấy du lịch ở miền Bắc thường có chi phí đắt đỏ hơn các khu vực khác trong nước), khai thác địa danh bền vững (một số vùng bị khai thác quá mức, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên), không xây dựng ồ ạt (một số địa phương các công trình bổ sung mọc như quán cafe, khu vui chơi mọc lên quá nhanh và thiếu quy hoạch)” trích lời nhận xét từ một người tham gia khảo sát.

3.3. Phát triển du lịch cộng đồng toàn vùng hướng tới nhiều lợi ích
Việc đầu tư định hướng phát triển cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc cần hướng tới không gian hòa hợp với thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa vùng miền. Việc phát triển không gian – sản phẩm du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cho du lịch vùng Tây Bắc. Điều này được thể hiện qua sơ đồ 1.

bieu-do-5-1694852087.png

Phát triển du lịch gắn liền với cộng đồng địa phương góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các hoạt động không chỉ tập trung vào việc khai thác thiên nhiên ưu đãi mà được mở ra các làng nghề, bản làng. Không gian mở rộng làm cho hiệu quả, tác động của du lịch đến với Tây Bắc được phân bố ra các khu vực khác, giảm áp lực lên những địa điểm trọng yếu, đồng thời giảm tải cho dịch vụ lưu trú và cơ sở vật chất ở khu vực trung tâm.

Phát triển du lịch cộng đồng tạo ra những nguồn lực và động lực mới cho việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Các làng nghề sẽ được sự quan tâm của các chính quyền và doanh nghiệp tư nhân bảo tồn sản phẩm, các kỹ thuật nghề. Những di sản văn hóa, làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục là điểm thu hút du khách đem lại thu nhập cho người dân.
Khi hoạt động du lịch cộng đồng được phát triển sẽ tạo ra cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng ngàn người dân trong khu vực. Hoạt động du lịch phát triển sẽ tạo cơ hội việc làm lớn thông qua các làng nghề được khôi phục, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng như người dân có thể tham gia vào hoạt động du lịch như hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm, ăn uống, cho thuê lưu trú homestay, vận chuyển,…

4. Tổng quan về mô hình cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng
Sự tham gia của cộng đồng địa phương là một trong những yếu tố cốt lõi của phát triển du lịch vì nó là yếu tố quan trọng nhất đối với sự bền vững của ngành du lịch. Có một số lĩnh vực tham gia vào phát triển du lịch như chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức và cá nhân khác nhau.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương có giá trị đáng kể trong du lịch cộng đồng đối với người dân địa phương, lối sống của họ và các yếu tố môi trường, văn hóa và truyền thống; là những điểm thu hút chính trong du lịch. Vì vậy, nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương phải được duy trì. Phát triển du lịch cùng với sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ mang lại sự phát triển bền vững cũng như mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường và văn hóa. Sự tham gia tích cực của cộng đồng trong du lịch cũng đảm bảo làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch.

Khi một cộng đồng tham gia vào phát triển du lịch, cộng đồng đó đảm bảo họ là một đối tác tích cực, đồng thời cung cấp sự kiểm tra và cân bằng vì cộng đồng có lợi ích cụ thể trong khu vực và cam kết về chất lượng môi trường. Du lịch có thể hoạt động lâu dài và tính khả thi của nó phụ thuộc vào sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng địa phương.

4.1. Lợi ích của mô hình cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng
Phát triển du lịch giúp người dân địa phương có thời gian để điều chỉnh trong các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường mới, đồng thời giúp ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực của sự phát triển nhanh chóng không kiểm soát. Sự tham gia của người dân địa phương trong việc xác định sự phát triển của họ sẽ ngăn chặn bất kỳ xung đột nào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của du lịch. Du lịch dựa vào cộng đồng có triển vọng cao trong phát triển du lịch nông thôn và thành công của nó phụ thuộc vào sự lãnh đạo cộng đồng tốt hơn, hỗ trợ và tham gia của các nhóm hành chính địa phương.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu bền vững và cải thiện phúc lợi của cộng đồng địa phương. Sự tham gia của cộng đồng đảm bảo bảo tồn môi trường và văn hóa của cộng đồng địa phương.

4.2. Các rào cản của mô hình cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng
Mặc dù mô hình cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng đem lại rất nhiều lợi ích, song mô hình cũng gặp rất nhiều rào cản trong việc triển khai nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Những trở ngại này được phân loại thành hoạt động, văn hóa và cấu trúc hạn chế.
Những hạn chế được phân loại là hạn chế hoạt động bao gồm việc tập trung hóa hành chính công của phát triển du lịch, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan và thiếu thông tin sẵn có cho người dân địa phương của điểm đến du lịch do, nhưng không giới hạn, không đủ dữ liệu và thông tin phổ biến còn hạn chế. Trong điều kiện như vậy, sự tham gia thấp của công chúng vào quá trình phát triển du lịch cộng đồng là điều hiển nhiên khi người dân không được thông tin tốt.

Trở ngại cấu trúc bao gồm thể chế, cơ cấu quyền lực, pháp luật và hệ thống kinh tế. Chúng chủ yếu tác động tiêu cực đến sự xuất hiện và thực hiện của phương pháp tiếp cận phát triển du lịch có sự tham gia.

Trở ngại văn hóa bao gồm năng lực hạn chế để giải quyết vấn đề phát triển một cách hiệu quả. Việc tham gia chặt chẽ vào các vấn đề cộng đồng quan tâm như sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển du lịch thường đòi hỏi thời gian và công sức.
Nhìn chung, mô hình cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng là một mô hình rất tiềm năng và rất phù hợp đối với phát triển tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam ở những địa điểm có tài nguyên thiên nhiên phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng. Để có thể xây dựng được mô hình, cần hiểu rõ những giá trị, điểm mạnh cũng như những khó khăn khi phát triển mô hình.

5. Đề xuất giải pháp xây dựng mô hình cộng đồng tham gia quản lý, phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc
5.1. Xây dựng mô hình liên doanh giữa doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng địa phương
● Trách nhiệm của các bên tham gia
Đối với chính phủ, chính phủ cần hướng dẫn tổ chức, thành lập tổ chức cộng đồng tin cậy nhằm đảm bảo tốt nhất rằng cộng đồng có thể chấp nhận, phân phối và thu lợi từ dự án du lịch công cộng. Các tổ chức quản lý cộng đồng đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi một cách công bằng từ du lịch bằng cách thực thi luật pháp và các quy định về lập kế hoạch và bằng cách tạo ra các biện pháp khuyến khích để tạo ra mô hình du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần ban hành luật, quy tắc; lên kế hoạch và chiến lược liên quan đến sự phát triển của du lịch cộng đồng cũng như việc cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các thành viên hoặc nhóm cộng đồng.

Đối với chính quyền địa phương, chính quyền cần lựa chọn nhân sự phù hợp và kết nối cộng đồng địa phương với doanh nghiệp tư nhân; đồng thời xác định mục tiêu và lên kế hoạch hành động với vai trò và trách nhiệm rõ ràng của mỗi bên; theo dõi, giám sát tiến độ công việc và duy trì cam kết.

Đối với người dân địa phương, người dân địa phương sẽ làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân với tư cách là nhân viên chăm sóc khách du lịch, các phường du lịch, v.v., sẽ được trả lương và được đào tạo nghề. Người dân địa phương có thể đưa ra nhận xét và giúp tùy chỉnh chuyến tham quan sao cho phù hợp với khách du lịch và duy trì tính độc đáo của nó. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tham gia trực tiếp thông qua góp vốn đầu tư và chịu trách nhiệm như nhà đầu tư tư nhân.

Đặc biệt, một đại diện cho cộng đồng địa phương được lựa chọn bởi khu phố để tham gia vào nhóm quản lý cộng đồng. Người lãnh đạo sẽ giới thiệu quy định thông qua kênh này đồng thời duy trì mục tiêu của tất cả các bên liên quan.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm của doanh nghiệp với tư cách là người lãnh đạo và là thành viên của cộng đồng cần thể hiện sự tôn trọng đối với người dân địa phương và văn hóa của họ, đồng thời tuyển dụng người dân địa phương được trả lương trong phạm vi mà nhóm quản lý cộng đồng đã quyết định. Doanh nghiệp tư nhân phải cam kết tái đầu tư vào đào tạo và nguồn nhân lực ở cấp độ nhân sự và giám sát, từ các kỹ năng kỹ thuật (như chuẩn bị/phục vụ F&B, dọn phòng, lên thực đơn, v.v.), đạo đức làm việc, đến khả năng quản lý chung, lãnh đạo… Doanh nghiệp tư nhân có thể phối hợp với người dân để tạo các mặt hàng du lịch công cộng vừa đa dạng vừa thu hút khách du lịch tiềm năng.

● Mô hình chia sẻ lợi nhuận
Sau khi loại trừ chi phí (chi phí vận hành, tiền lương cho nhân viên), lợi nhuận của doanh thu do tổ chức quản lý cộng đồng thu được có thể được chia đều và chia sẻ với cộng đồng hoặc phân bổ theo tỷ lệ phần trăm cho các sáng kiến được xác định trước theo cơ sở vốn cổ phần. Ngoài ra, bước đầu địa phương có thể giới hạn vốn cổ phần tư nhân có thể tham gia và có một lộ trình phát triển cũng như nới rộng cổ phần nắm giữ nếu mô hình phát triển thuận lợi.
Khi quyết định cách chia sẻ lợi nhuận, quản lý tốt, công bằng và minh bạch là điều rất quan trọng để đảm bảo lợi ích cuối cùng nhằm tạo thu nhập cho cộng đồng, hạn chế mất cân bằng trong việc phân chia lợi ích. Đào tạo và giáo dục cơ bản về quản lý tài chính (ví dụ: lập ngân sách, dòng tiền) cũng nên được cung cấp cho các thành viên tổ chức quản lý cộng đồng phù hợp, cũng như nhân viên doanh nghiệp du lịch công cộng và gia đình của họ.

5.2. Xây dựng doanh nghiệp tư nhân làm chủ có sự tham gia của cộng đồng địa phương
● Trách nhiệm của các bên tham gia
Đối với chính quyền địa phương, để đảm bảo tốt nhất khả năng thích ứng, hợp tác, quyền lợi cho cộng đồng từ dự án du lịch công cộng, mô hình doanh nghiệp hợp tác có sự tham gia của cộng đồng địa phương cần có sự giúp sức của chính quyền để xây dựng hệ thống tổ chức và quy định hoàn chỉnh, đáng tin cậy. Chính quyền địa phương có vai trò giám sát đồng thời ban hành các quy tắc và quy định về quy hoạch, thiết lập các chính sách khuyến khích phát triển của mô hình du lịch công cộng. Đặc biệt, chính quyền sẽ là cầu nối các bên liên quan và thành lập nhóm quản lý cộng đồng thường bao gồm đại diện từ cộng đồng địa phương, doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo địa phương. Trách nhiệm chính của nhóm quản lý cộng đồng: tập hợp và chọn lọc nhân sự; xác định mục tiêu và hành động trong kế hoạch với vai trò và trách nhiệm rõ ràng của doanh nghiệp trong từng giai đoạn; theo dõi, giám sát vận hành của doanh nghiệp, liên tục đánh giá kết quả và cải tiến; đảm bảo quyền lợi và thu nhập cho người dân trong từng công việc cụ thể.

Đối với cộng đồng địa phương, sự hỗ trợ của cộng đồng là điểm mấu chốt của mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Cộng đồng địa phương sẽ là lực lượng lao động chính để vận hành mô hình này. Cư dân địa phương sẽ là nhân viên chăm sóc khách du lịch, lễ tân, bán hàng… được các doanh nghiệp tư nhân trả lương và đào tạo nghề. Cộng đồng cũng đóng vai trò là người góp ý để đưa ra phản hồi và điều chỉnh tour du lịch phù hợp với khách du lịch mà vẫn giữ được những bản sắc văn hóa vốn có.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp là người lãnh đạo và là thành viên của cộng đồng tôn trọng văn hóa và người dân địa phương và trả lương cho nhân viên địa phương theo tỷ lệ đã được thống nhất bởi nhóm quản lý cộng đồng. Một số lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân chú trọng: đào tạo và giáo dục cơ bản về quản lý tài chính (ví dụ: lập ngân sách, dòng tiền) nên được cung cấp cho các thành viên tổ chức quản lý, nhân viên doanh nghiệp và các hộ gia đình; tái đầu tư vào đào tạo và nguồn nhân lực ở cấp nhân viên và cấp giám sát từ các kỹ năng kỹ thuật (ví dụ: chuẩn bị/phục vụ F&B, dọn phòng, lên thực đơn, v.v.), đạo đức làm việc đến kỹ năng quản lý chung, lãnh đạo…; kết nối những nhà đầu tư khác trong lĩnh vực du lịch cộng đồng như đối tác, khách hàng, kênh tiếp thị và/hoặc cố vấn, du lịch; đảm bảo các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng bổ sung cho những gì doanh nghiệp tư nhân đang cung cấp, phù hợp với các ưu tiên của công ty lữ hành và lịch trình du lịch, tận dụng những gì độc đáo của cộng đồng và tương phản tốt với các hoạt động khác dành cho khách du lịch tại điểm đến; tích cực kết nối và phát triển các tour du lịch mới và các hoạt động của du lịch công cộng; xây dựng cơ sở hạ tầng như khách sạn, sân chơi… dựa trên đặc điểm của cộng đồng địa phương.

● Mô hình chia sẻ lợi nhuận
Đây là điểm mấu chốt cần sự đầu tư kỹ lưỡng trong phát triển cơ chế hợp tác mà doanh nghiệp tư nhân làm chủ. Mô hình cần đảm bảo lợi ích không chỉ đến với tầng lớp ưu tú trong cộng đồng, đồng thời loại bỏ mọi khả năng xảy ra xung đột hoặc căng thẳng do nhận thức rằng lợi ích không được phân phối công bằng. Theo cách tiếp cận này, doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò là người sử dụng lao động tuyển dụng nhân viên từ cộng đồng địa phương dưới sự giám sát của nhóm quản lý cộng đồng, người dân địa phương sẽ được trả lương và đào tạo như những công việc thông thường.

6. Kết luận
Qua nghiên cứu và đánh giá hiện trạng vùng Tây Bắc, có thể thấy tiềm năng phát triển du lịch của vùng này còn rất lớn. Để có thể phát huy hết tiềm năng du lịch cộng đồng của 6 tỉnh Tây Bắc, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân. Một trong những chính sách quan trọng giúp phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Bắc là đầu tư từ khu vực tư nhân và quảng bá. Việc nhận được đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo cho Tây Bắc động lực lớn để phát triển mạnh mẽ và bền vững. Hơn nữa, qua quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, con người nơi đây sẽ được hiểu sâu hơn, tiếp tục được duy trì, bảo tồn và giao lưu mạnh mẽ không chỉ với người dân Việt Nam mà còn vượt ra ngoài lãnh thổ. Các giải pháp được đề xuất đều mang tính khả thi và có giá trị thực tiễn cao dựa trên cơ sở phân tích tính tiềm năng, lợi ích cũng như hiện trạng phát triển./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt
1. Bộ Khoa học và Công nghệ. Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ.
2. Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.
3. Tổng cục Du lịch (2019), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
4. Báo chính phủ (2023). “Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030”,https://baochinhphu.vn/chien-luoc-marketing-du-lich-viet-nam-den-nam-2030-102230306135613059.htm truy cập ngày 2/4/2023
5. Ditiep.com (2021). “Thực trạng hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam”. https://ditiep.com/thuc-trang-du-lich-cong-dong-viet-nam/ truy cập ngày ngày 30/3/2023
6. Nguyễn Thị Như Quỳnh (2022). “Thúc đẩy sự liên kết vùng trong phát triển du lịch các tỉnh miền núi Tây Bắc: Thực trạng và giải pháp”. Tạp Chí Kinh Tế Và Dự Báo - Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư.
https://kinhtevadubao.vn/thuc-day-su-lien-ket-vung-trong-phat-trien-du-lich-ca c-tinh-mien-nui-tay-bac-thuc-trang-va-giai-phap-21402.html truy cập ngày 1/4/2023
7. Tạ Thị Đoàn (2022). “Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững ở các tỉnh vùng Tây Bắc - một số vấn đề đặt ra”. Tạp chí Giáo dục lý luận. http://giaoduclyluanhcma.vn/Default.aspx?portalid=33&tabid=19&distid=2327 truy cập ngày 29/3/2023
8. Báo Hòa Bình (2023). “Hòa Bình: Kết nối du lịch vùng Tây Bắc”. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
https://bvhttdl.gov.vn/hoa-binh-ket-noi-du-lich-vung-tay-bac-20230116083206 185.htm truy cập ngày 1/4/2023
9. Cổng TTĐT Lào Cai (2022). “Liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023”. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
https://bvhttdl.gov.vn/lien-ket-hop-tac-phat-trien-du-lich-8-tinh-tay-bac-mo-ron g-va-thanh-pho-ho-chi-minh-nam-2023-20221111141457532.htm truy cập ngày 2/3/2023
10. Hương Lê (2016). “Định hướng phát triển du lịch vùng Tây Bắc”. Tổng cục Du lịch. https://vietnamtourism.gov.vn/post/20769 truy cập ngày 3/4/2023
11. Nguyễn Phạm Anh (2021). “Phát triển Du lịch vùng Tây Bắc trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Tạp chí Tài chính.
https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-du-lich-vung-tay-bac-trong-boi-canh-dai-dic h-covid-19.html truy cập ngày 28/3/2023
12. Hoàng Lân (2021). “Sức hút của những bản du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc”. Báo Hà Nội mới.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/995283/suc-hut-cua-nhung-ban-d u-lich-cong-dong-vung-tay-bac truy cập ngày 1/4/2023

Tài liệu nước ngoài
1. Dangi, T.B.; Jamal, T. An Integrated Approach to “Sustainable CommunityBased Tourism”. Sustainability 2016, 8, 475.
2. Goodwin, H.; Santilli, R. Community Based Tourism: A Success? International Centre for Responsible Tourism: Faversham, UK, 2009.
3. Jamal, T.B.; Getz, D. Collaboration Theory and Community Tourism Planning. Ann. Tour. Res. 1995, 22, 186–204.
4. Reed, M.G. Power relations and community-based tourism planning. Ann. Tour. Res. 1997, 24, 566–591.
5. Zivrali, E. (2022, July 27). “What is Community-Based Tourism and Why Does it Matter?”. Solimar International.