Phát huy hiệu quả xúc tiến thương mại, gỡ khó cho xuất khẩu

Đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị sụt giảm từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, khó khăn.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 3,73 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 647 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp tháng 1 năm nay giảm 1,07 tỷ USD, giảm tới 13% so với cùng kỳ.

Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều ghi nhận mức giảm mạnh từ 16,8% cho đến 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước thực tế này, trao đổi với báo chí đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trên là do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, khiến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu bị sụt giảm từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản cũng đứng trước áp lực chi phí tăng cao, sức cạnh trạnh trên thị trường thế giới đã giảm khi sản phẩm phải đội giá, dẫn tới tiêu thụ chậm. Cùng với đó, số ngày thống kê kim ngạch xuất khẩu của tháng 1 cũng ít hơn do thời gian nghỉ lễ Tết kéo dài. Trước thực tế này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.

01-5008-1676551657.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: "Tổ chức các đoàn giao dịch mua hàng của nước ngoài vào Việt Nam để thu mua hàng hóa cho doanh nghiệp; tổ chức các đoàn giao thương của Việt Nam đi những thị trường trọng điểm để xúc tiến chào hàng cũng như tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng mới; đưa các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm uy tín trên thế giới, những hội chợ lớn để giúp các doanh nghiệp tăng cường cơ hội quảng bá, chào hàng, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới".

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trong năm nay, các doanh nghiệp cân nhắc thêm một số thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, khu vực Nam Mỹ, một số các nước châu Á. Các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt liên tục cập nhật thị trường để có ứng phó thích hợp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp các Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến bày tỏ lạc quan về xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong năm 2023

Theo ông Tiến, năm ngoái ngành nông nghiệp có 7 nhóm hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Năm nay, vẫn có thể phát được những lợi thế từ các nhóm hàng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Thứ trưởng dẫn chứng, ở ngành lâm nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm ngoái đạt gần 16 tỷ USD, năm nay có thể đẩy mạnh xuất khẩu viên nén gỗ, dăm gỗ. Đây là hai mặt hàng rất tiềm năng, dự kiến trong thời gian tới có thể thu về thêm 3,5 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ.

Tương tự, các mặt hàng tôm, cá tra sẽ nâng cao sản lượng để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Hay như xuất khẩu rau quả chúng ta có lợi thế lớn về sản lượng, năm vừa qua ký nhiều nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch. Việt Nam có lợi thế khoảng cách địa lý, quảng đường vận chuyển hàng hoá sang Trung Quốc gần. Đặc biệt, đầu năm nay Trung Quốc mở cửa trở lại sau một thời gian dài thực hiện Zero Covid nên hoạt động xuất khẩu sang thị trường này thuận lợi hơn trước rất nhiều, ông nhấn mạnh.

Ông Tiến cho rằng, năm nào cũng có khó khăn và thách thức. Năm 2022, ngành nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu nông sản vẫn lập kỷ lục. Thế nên, với kinh nghiệm hội nhập trong những năm qua, ông tin rằng kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt mục tiêu 55 tỷ USD.

Thi Nguyên (t/h)