Nông nghiệp số, người nông dân hưởng lợi lớn

Ngày 04/11, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì tổ chức “Diễn đàn kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong cộng đồng doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Tại Diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, trước khi thực hiện số hóa, một bộ hồ sơ về sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) từ huyện lên tỉnh dày tới 400-500 trang. Một lần nộp hồ sơ tối thiểu mất 10 triệu đồng, và thay vì mất khoảng 850 tỷ đồng chi phí làm hồ sơ cho hơn 8.500 sản phẩm OCOP theo kiểu cũ, thì chi phí đầu tư cho phần mềm chấm và đánh giá sản phẩm không lớn

Bên cạnh đó, 8.500 sản phẩm OCOP sẽ có đầy đủ thông tin từ số liệu từ cấp đăng ký, nhập liệu, chứng nhận VietGAP, sản lượng, nguồn nguyên liệu, phân phối…

1-1667642121.jpg
Người nông dân tiết kiệm chi phí khi bán hàng ứng dụng công nghệ, giúp người mua dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận hàng hóa.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản, chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy.

Ông chia sẻ, hiện có 12.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường. Một trong những vấn đề là chưa có hệ sinh thái ngành hàng, sinh thái thông tin. Chưa có cơ sở dữ liệu đánh giá thị trường, chưa kết nối với nhau.

Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo hai mũi nhọn áp dụng chuyển đổi số là trồng trọt và chăn nuôi. Đầu tiên là mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi.

Nếu các hợp tác xã không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng.

Tính đến nay mới có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba, trong khi cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề nông nghiệp. Đây là dư địa rất lớn, cần có cơ sở dữ liệu làng nghề, lan tỏa bằng công nghệ. Khách du lịch đến với làng nghề qua không gian mạng trước tiên, cũng là dữ liệu để chúng ta mang đi thế giới.

111-1667642850.PNG
Sầu riêng Việt Nam được bán tại website alibababa

Ông Toản nhấn mạnh, quan trọng nhất là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng, mỗi hợp tác xã là nền tảng để xã viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu,

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) chia sẻ, Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai đã đề ra được mục tiêu, lộ trình và hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trở thành nền kinh tế thực thụ.

Tuy đã có lộ trình và hướng đi cụ thể, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong chính các thành phần của lộ trình. Cụ thể là chính sách chưa được đồng bộ; hạ tầng công nghệ chưa theo kịp với nhu cầu; doanh nghiệp và nông dân chưa được đào tạo, định hướng về việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn của thị trường xuất, nhập khẩu;…

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Bagico cũng nêu lên rằng, tại nhiều địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin của người bán trên nền tảng số để minh bạch hóa trao đổi thương mại. Bên cạnh đó, trong việc quản lý Nhà nước, vẫn chưa có ngay biện pháp, công cụ để đưa ứng dụng chuyển đổi số đối với mã vùng trồng, mã xưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc mà gần đây nhất là sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Bà Thực đề xuất tăng cường đào tạo cán bộ cấp thôn, xã đặc biệt đối với các cộng tác viên nông nghiệp, nhân viên khuyến nông vì đây là cánh tay nối dài để đưa ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cơ quan quan lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách để cán bộ cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng mà không sợ vi phạm.

Văn Minh