Nông dân thu lãi lớn nhờ trồng giống hồng không hạt đạt tiêu chuẩn VietGAP

Hồng Gia Thanh (xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) là loại cây ăn quả đặc sản thuộc dạng quý hiếm và có ưu điểm vượt trội, quả to, không hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt dịu.
111d4142855t1149l3-img-2777-1662629217.jpeg
Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng hồng Gia Thanh đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Được biết, xã Gia Thanh hiện có khoảng 70ha diện tích hồng Gia Thanh, trong đó gần 50ha đang cho thu hoạch, là sản phẩm của các hộ gia đình tham gia dự án phát triển cây hồng của xã. Hộ ít có vài chục cây, hộ nhiều hàng trăm cây...

Năm 2022 sản lượng hồng Gia Thanh, huyện Phù Ninh ước đạt khoảng 2.000 tấn. Hiện nay, hồng Gia Thanh đã dán tem truy xuất nguồn gốc có giá dao động từ 50.000- 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 30-40% so với sản phẩm thông thường. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của hồng Gia Thanh vẫn là tỉnh Phú Thọ và các tỉnh phía Bắc, cũng có đơn hàng vào phía Nam nhưng theo hình thức mua nhỏ lẻ làm quà biếu.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sau đó, cây hồng được người dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh và rất phù hợp trồng trên đất đồi tại đây, cho chất lượng cao hơn hẳn. Còn nếu chuyển sang trồng nơi khác, chất lượng quả hồng khác hẳn với hồng Gia Thanh chính gốc, đến nay có cây đã ngót nghét gần 100 tuổi.

dac-san-hong-gia-thanh-5-16614278688791629773231-16614437702861321795591-1662629217.jpeg
Hồng Gia Thanh dán tem truy xuất nguồn gốc đang được bán giá từ 50.000- 60.000 đồng/kg. Ảnh: Hoan Nguyễn

Gia đình bà Phạm Thị Nhuận, ở xã Gia Thanh có tổng diện tích là 8.000m2 với khoảng 30- 40 gốc hồng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện hồng ngoài vườn đã ngả sang màu vàng, cũng là thời điểm mà thương lái ở khắp nơi đổ về mua hàng. Mỗi cây hồng cho thu khoảng 30kg - 40kg quả, hiện giá bán tại vườn là 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Bà Nhuận tâm sự, gia đình tôi bắt đầu trồng hồng Gia Thanh từ năm 1990, đến nay vừa tròn 32 năm. Ngày xưa, gia đình tôi chỉ cày ruộng và trồng vài cây ăn quả như chanh, bưởi, ổi trong nhà nên quanh năm vất vả, đầu tắt mặt tối. So với cây ngô, cây lúa, vườn hồng Gia Thanh của gia đình mang lại nguồn thu lớn hơn gấp nhiều lần. Nhờ có vườn hồng này, bản thân gia đình tôi nói riêng, nhiều hộ dân không phải lo lắng về chuyện tiền nong, có tiền trang trải cuộc sống và xây dựng nhà cửa khang trang, con cái ăn học đàng hoàng.

Việc trồng hồng Gia Thanh vô cùng nhàn hạ, ít tốn công vì chúng có sức sổng rất mãnh liệt. Mỗi năm, chỉ cần bón phân một lần vào tháng Giêng khi cây kết bông và một lần khi kết thúc vụ mùa vào tầm cuối tháng 10 âm lịch. Phân dùng để bón cũng đơn giản khi chỉ cần là phân chuồng hoặc phân lân. Hồng Gia Thanh cũng khá "dễ tính", dù trong thời tiết tháng 6, 7 oi bức, nhiệt độ lên đến hơn 35 độ, nhưng người dân chỉ cần tưới qua cho lá tươi và quả không bị rạn nứt.

dac-san-hong-gia-thanh-3-166142712331090781537-1661443770279495582966-1-1662629217.jpeg
Bà con khấn khởi năm nay được mùa Hồng Gia Thanh.

Chị Hán Thị Thanh Bình ở xã Gia Thanh chia sẻ, hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, là một món quà hấp dẫn cho những người con xa quê và du khách thập phương ghé thăm Phú Thọ được thưởng thức đặc sản vùng đất Tổ… Khi ngâm cho vào chậu nước sạch ngâm 2 ngày 3 đêm hoặc 2 đêm 3 ngày, ngày thay nước 2 lần, sau đó để ráo nước 1 ngày và ăn dần, tránh để Hồng chín đỏ mới ngâm, khi đó hồng sẽ bị nứt. Khi ngâm xong dùng dao gọt thử nếu không thấy có nhựa đen chảy ra thì đó là Hồng đã chín và hết chát, nếu có nhựa đen thì hồng ngâm chưa đủ.

Ông Nguyễn Phúc Suyên -Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phù Ninh cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương, đồng thời giám sát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hồng không hạt Gia Thanh” để nâng cao giá trị và khẳng định chất lượng giống hồng đặc sản của Gia Thanh nói riêng và huyện Phù Ninh nói chung.

Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản Phú Thọ triển khai cấp hơn 270 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cho 180 hộ đang tham gia mô hình Chuỗi cung ứng sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh an toàn tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh.

Đây là năm thứ 3 Chi cục triển khai mô hình với tổng số 700 nghìn tem truy xuất nguồn gốc đã được hỗ trợ. Cùng với đó, đơn vị đã hỗ trợ người dân cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm và hỗ trợ phân vi sinh trong thâm canh diện tích hồng đã được chứng nhận VietGAP.