Nông dân Quỳnh Lưu, Nghệ An đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Quỳnh Lưu đã và đang hướng nông dân đến việc hình thành vùng, khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh mà còn phát triển được nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
anh-1-1639009851.jpeg
Nông dân Quỳnh Thạch năng động sản xuất, kinh doanh phát triển hoa màu sạch

Cho tới thời điểm này thì đây là năm thứ 4, gia đình ông Đàm Duy Từ ở xã Quỳnh Tam áp dụng mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Với diện tích 3,5 ha, gia đình ông trồng hơn 2.000 gốc ổi Đài Loan, 1.000 gốc thanh long ruột đỏ, 700 gốc bưởi diễn và 500 gốc mít Thái… Điều đặc biệt, hàng ngàn gốc cây ăn quả này đều được gia đình ông chăm bón hoàn toàn bằng phân vi sinh và các loại thảo mộc diệt sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tác động đến cây trồng. Nhờ đó, sau nhiều năm áp dụng quy trình chăm sóc này, ngoài giảm giá thành đầu tư sản xuất, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho gia đình ông.

“Sản xuất theo hướng hữu cơ rất có lợi, đảm bảo về môi trường, an toàn cho người trực tiếp sản xuất; đặc biệt là sản phẩm làm an toàn cho người tiêu dùng. Hơn nữa chi phí sản xuất theo hướng hữu cơ thấp hơn so với cách trồng cây truyền thống dùng phân hóa học. Quan trọng nhất, sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ có lợi bởi nếu trồng 1 cây ổi bón phân hóa học thì khoảng 5 - 7 năm là cây sẽ tàn, nhưng khi theo hướng hữu cơ thì cây phát triển từ 10 - 12 năm và đất càng tơi xốp”, ông Đàm Duy Từ chia sẻ.

anh-2-1639009918.jpg
Vườn cây ổi, thanh long trồng theo hướng hữu cơ tại xã Quỳnh Tam của ông Đàm Duy Từ

Chị Chu Thị Thủy ở xóm Văn Đông, xã Quỳnh Bảng là một trong những hộ thực hiện dự án ứng dụng khoa học và kỹ thuật xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất rau hữu cơ tại Nghệ An. Trên diện tích 8 sào đất, gia đình chị trồng nhiều loại rau màu như: cà chua, đậu cove, dưa chuột, rau cải, hành lá, ớt cay..

Thực hiện dự án sản xuất rau hữu cơ, toàn bộ diện tích rau màu của gia đình chị từ khi xuống giống đến khi thu hoạch không được sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Khi sâu hại xuất hiện nhiều phải tiến hành phun xịt các chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu hoặc sử dụng các loại bẫy dính, vợt để bắt sâu. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo ra sản phẩm sạch. Không chỉ được bao tiêu về sản phẩm mà giá bán của mỗi loại rau cũng tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với giá thị trường hiện nay.

Dự án ứng dụng khoa học và kỹ thuật xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất rau hữu cơ tại tại Nghệ An do Trạm giống cây trồng công nghệ cao tại thành phố Vinh ký kết với HTX nông nghiệp tổng hợp xã Quỳnh Bảng trong 7 vụ sản xuất từ năm 2019- 2021, diện tích 5 ha với 5 hộ tham gia.

Khi thực hiện dự án, Trạm giống cây trồng công nghệ cao sẽ hỗ trợ tổ chức giám sát; chứng nhận vùng sản xuất và sản phẩm rau hữu cơ trong 3 năm từ 2019 – 2021; đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tập huấn, học tập kinh nghiệm sản xuất rau hữu cơ. Theo báo cáo từ HTX nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng, sau thời gian thực hiện dự án, mỗi hộ tham gia sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ cho năng suất từ 60 - 70 tấn/hộ/năm.

anh-3-1639009977.jpg
Cây Thanh Long ở đất Quỳnh Bảng

Ông Vũ Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hiện nay xu thế tạo ra sản phẩm sạch là nhu cầu của thị trường rất lớn, xã Quỳnh Bảng đang nhân rộng mô hình do Sở KHCN và UBND huyện làm điểm mô hình. Hiện tại sản phẩm được sản xuất hữu cơ trên địa bàn xã khoảng 6,5 ha, sản phẩm đa dạng; việc tiêu thụ gắn với chế biến thuận lợi đã nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Xã chỉ đạo HTX mở rộng thêm 2 ha và chỉ đạo bà con sản xuất da dạng rau củ quả trong vùng sản xuất hướng hữu cơ…”

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp cũng như thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu rất chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Từ đó, đã nhân rộng các mô hình cây ăn trái, rau màu theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.

anh-5-1639010088.jpg
Trồng rau theo mô hình thuỷ canh của chàng trai 9x tại xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Tính đến nay trên địa bàn huyện có khoảng hơn 20 ha diện tích sản xuất cây ăn quả, rau màu theo hướng hữu cơ, trong đó phải kể đến Trang tại sản xuất và kinh doanh rau màu của công ty TNHH Đức Tài với diện tích 5,3 ha ở xã Quỳnh Giang; trang trại Từ Hạnh, xã Quỳnh Tam 3,5 ha và nhiều mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao ở Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh. Ngoài ra vùng chuyên canh rau hàng hóa với quy mô lên đến 700 ha, sản xuất rau quanh năm tại các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng, tất cả mọi người dân đều được tập huấn hướng dẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trong thời gian tới huyện sẽ tuyên truyền định hướng nông dân chuyển đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất hướng hữu cơ hiệu quả để nhân rộng; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hữu cơ của tỉnh; lồng ghép các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trong các đề án, dự án…”./.

Bài, ảnh: Mỹ Hà (PVTT tại Nghệ An)