Nỗ lực cải tạo vườn tạp phủ màu xanh trên đá xám ở vùng cao Hà Giang

Những bản vùng cao Hà Giang người dân đã biến những vùng đất hoang hóa sỏi đá khô cằn thành những vườn rau xanh. Đây là thành quả từ chính sách hỗ trợ của địa phương nhằm tạo sinh kế cho người dân. Những vườn rau xanh trên đá xám đang góp phần đem lại cuộc sống ấm no.
cai-tao-vuon-tap-01-1707794716.jpg
Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ được tỉnh Hà Giang nỗ lực triển khai. (Ảnh minh họa)

Tạo sinh kế cho người dân từ khai phá vườn tạp

Với đặc thù là tỉnh thuần nông, Hà Giang có 86% cư dân sinh sống và tạo sinh kế ở khu vực nông thôn. Bước vào đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhận định, kinh tế vườn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có; người dân sử dụng đất vườn chưa hiệu quả, chưa thực sự tạo sinh kế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thu nhập hằng năm của các hộ gia đình.

Xuất phát từ thực trạng đó, ngày 01/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với chủ trương khi áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào diện tích vườn hộ sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình một cách bền vững. Việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ cũng được Hà Giang xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.

Tại gia đình chị Hoàng Thị Dung (ở thôn Tân Hùng, xã Hùng An, huyện Bắc Quang) bên khu vườn xanh mát với nhiều loại cây trồng, vật nuôi được quy hoạch khang trang, rào chắn gọn gàng, chị Dung chia sẻ: “Vườn nhà tôi trước đây hoang sơ lắm, chỉ trồng vài loại rau đủ dùng cho gia đình, có dư thì mang xuống chợ bán, còn lại bỏ hoang nhiều. Đến khi nghe các bác ở trên huyện, xã nói về Chương trình cải tạo vườn tạp, tôi cũng lấn cấn, không biết bắt đầu từ đâu, nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả”.

cai-tao-vuon-tap-02-1707794753.jpg
Những hộ nghèo được hướng dẫn sửa ao, bố trí lại vườn, xây dựng chuồng trại, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. (Ảnh minh họa)

Bắt đầu cải tạo vườn tạp từ tháng 8/2021, gia đình chị Dung được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận đỡ đầu thực hiện Chương trình, được chính quyền huyện, xã, thôn hỗ trợ trực tiếp ngày công và một phần vốn để triển khai thực hiện. Ngay từ những ngày đầu, cán bộ nông nghiệp cùng các lực lượng đoàn viên, hội phụ nữ… trong xã xuống trực tiếp hướng dẫn chị sửa ao, bố trí lại vườn, xây dựng chuồng trại một cách khoa học; tiếp đó lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

Cùng số vốn hỗ trợ ban đầu là 24 triệu, chị Dung còn mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để mua thêm giống cây trồng, nuôi thêm lợn, gà, vịt để cải thiện thu nhập. Chỉ hơn 1 năm sau đó, mảnh vườn của gia đình chị đã có một diện mạo mới với đủ loại rau màu, cây ăn quả như thanh long, na, hồng xiêm, ổi,… Chị phấn khởi cho biết, cuộc sống bây giờ đỡ khó khăn hơn trước nhiều, còn có thêm nguồn thu ổn định từ việc chăm sóc vườn tược với khoảng 6-7 triệu mỗi tháng.

Nhận thấy cách thức cải tạo vườn tạp của gia đình chị Dung đem lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ dân khác ở xã Hùng An cũng học tập và làm theo. Hơn nữa mọi người cũng dần có ý thức hơn trong việc chỉnh trang, quy hoạch lại vườn, ao, chuồng, tư duy về phát triển kinh tế vườn từ đó cũng có sự thay đổi rõ nét…

cai-tao-vuon-tap-03-1707794816.jpg
Các mô hình cải tạo vườn tạp được thực hiện với sự trợ giúp của các đơn vị đang mang lại chất lượng cao hơn. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Đảng ủy xã Hùng An cho biết: Ngoài hiệu quả kinh tế, việc cải tạo vườn tạp còn góp phần mang lại hiệu quả thiết thực về môi trường, diện mạo nông thôn mới của xã cũng khang trang hơn do được các hộ gia đình thường xuyên dọn dẹp khuôn viên nhà ở, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Năm 2023 xã Hùng An tiếp tục duy trì các mô hình điểm cải tạo vườn tạp, đồng thời nhân rộng mô hình theo đặc thù của từng thôn bản, với phương châm khai thác cây, con giống bản địa ngắn ngày, phát huy tối đa sức lao động của các hộ dân, phấn đấu các hộ nghèo, cận nghèo sau khi thực hiện mô hình đều có thu nhập và việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững.

Đến nay, sau 2 năm triển khai, toàn huyện có 160 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện cải tạo vườn tạp, đạt 100% so với số hộ đăng ký thực hiện. Huyện Bắc Quang đã phát động và thực hiện cải tạo vườn tạp được 350 hộ trên tổng diện tích vườn được cải tạo là trên 251 ngàn m2, bình quân thu nhập tăng thêm 21,1 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với trước khi cải tạo vườn tạp; ngoài ra còn góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 290 lao động địa phương.

Chủ trương vào đời sống đem lại màu xanh trên đá xám

Ở địa bàn còn khó khăn về nhiều phương diện như Hà Giang. Nghị quyết 05/NQ-TU ra đời đã trở thành “luồng gió mới” trong nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã thực sự tạo ra phong trào thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình, thôn, xã. Xuyên suốt quá trình thực hiện Nghị quyết, theo quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình cải tạo vườn tạp tỉnh Hà Giang, cải tạo vườn tạp phải được triển khai một cách đồng bộ từ các cấp, các ngành đến người dân, “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, thay đổi phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho trên 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang để đồng bào yên tâm “Bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, giữ đất, giữ rừng”. Theo đó, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố vào cuộc phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn tạp, hướng dẫn, chuyển giao khoa học công nghệ. Tỉnh tạo cơ chế hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lồng ghép từ các chương trình, mục tiêu, nguồn vốn của Trung ương thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ.

cai-tao-vuon-tap-04-1707794701.jpg
Mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân bao tiêu sản phẩm đầu ra của các hộ đăng ký tham gia cải tạo vườn tạp. (Ảnh minh họa)

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành các Quyết định, Hướng dẫn, Kế hoạch phát động và tổ chức phát động, triển khai thí điểm Đề án; đồng thời thành lập Tổ giúp việc cho cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh; tiếp đó HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết tạo cơ chế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn với lãi suất 0% qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và có thể mở rộng cho các hộ khác khi hộ nghèo, cận nghèo không có nhu cầu vay vốn...

Như những “cánh tay nối dài” đưa Nghị quyết 05-NQ/TU đến với mỗi người dân, sau ba năm triển khai, toàn tỉnh đã có 6.495 hộ tham gia Chương trình, đạt 99,92% kế hoạch, trong đó có 3.030 hộ thực hiện theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh. Tổng diện tích vườn được cải tạo là 262 ha với tổng kinh phí Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo trên 90 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, Nghị quyết 05-NQ/TU không chỉ nhận được sự đồng thuận từ người dân, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, quan trọng hơn cả, giúp thay đổi tư duy nhận thức về trồng trọt, chăn nuôi sản xuất nông nghiệp; tạo tư liệu sản xuất, động lực để người dân làm giàu thêm đối với hộ khá, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn quê hương Hà Giang./.

Bình Nguyên