Ninh Bình: Xác định và phát huy thế mạnh vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp

Căn cứ các yếu tố về vị trí địa lý, địa hình, phân bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản và định hướng quy hoạch chung của tỉnh, có thể chia thành 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp gồm: vùng đồi, núi, bán sơn địa; vùng trũng; vùng ven đô thị; vùng đồng bằng; vùng ven biển.
nb-1673569394.jpg
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 5 vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp

Xác định các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp sẽ đánh giá đúng hiện trạng kết quả đạt được từng lĩnh vực sản xuất ở mỗi tiểu vùng, đồng thời làm căn cứ để định hướng, xây dựng kế hoạch, chính sách cụ thể cho từng tiểu vùng trong từng giai đoạn.

- Tiểu vùng đồi, núi, bán sơn địa:

Đặc điểm: địa hình đồi núi, thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, rau quả, dược liệu… có vị trí nằm trên địa bàn 41 xã của 4 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Yên Mô. Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực: 4.000 ha rau quả, 24.173 ha rừng, 27.893 con trâu bò, 97.177 con lợn, 1.408 nghìn gia cầm. Các sản phẩm chủ lực: rau quả, trâu bò, lợn, gia cầm, môi trường rừng. Các sản phẩm đặc sản: lợn địa phương, gà đồi, gà Cúc Phương, dê, nhung hươu, mật ong rừng, đào phai, khoai sọ…

- Tiểu vùng trũng:

Đặc điểm: là vùng thường xuyên bị ngập nước, lầy thụt, các vùng trũng ven núi, ao hồ, đầm hoặc dễ bị ngập sâu khi có mưa lớn thuận lợi cho phát triển sản xuất g 2 vụ lúa, 1 vụ lúa, lúa - cá, chăn nuôi thủy cầm, thủy sản nước ngọt, nằm trên địa bàn 36 xã của 3 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô. Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực: 16.908 ha lúa, trong đó 3.537 ha lúa cá; 486,4 nghìn thủy cầm; 3.288 ha thủy sản nước ngọt. Các sản phẩm chủ lực bao gồm cá, vịt, lúa. Các sản phẩm đặc sản: ốc nhồi, cá trắm đen

- Tiểu vùng ven đô thị: Gồm các xã thuộc thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.

Đặc điểm: ven đô thị trung tâm của tỉnh, có diện tích đồng bằng, đồi, núi, diện tích trũng thấp, thuận lợi cho phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao, du lịch nông nghiệp, lúa, thủy sản, chăn nuôi, nằm trên địa bàn 21 xã của 3 huyện/thành phố là thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và huyện Hoa Lư. Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực: 5.661 ha lúa;1.310 ha rau, quả, hoa; 4.152 con trâu bò; 14.066 con lợn; 558,6 nghìn gia cầm; 1.329 ha thủy sản nước ngọt; 3.660 ha rừng. Các sản phẩm chủ lực: lúa, rau, quả, trâu bò, lợn, gia cầm, môi trường rừng. Các sản phẩm đặc sản: hoa cắt, hoa cao cấp, cúc dược liệu kết hợp du lịch, ốc, cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua, dê núi…

- Tiểu vùng đồng bằng:

Đặc điểm: địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển sản xuất lúa, rau, chăn nuôi, thủy sản nước ngọt. Vị trí địa lý: nằm trên địa bàn 50 xã của 3 huyện Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn. Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực: 37.000 ha lúa, 2.875 rau, hoa, quả; 11.339 con trâu bò; 89721 con lợn; 2.053 nghìn gia cầm; 1.982 ha thủy sản. Các sản phẩm chủ lực: lúa, rau, hoa, quả, cá, trâu bò, lợn, gia cầm. Các sản phẩm đặc sản: Nếp hạt cau, ngọc trai, nấm ăn, nấm linh chi.

- Tiểu vùng ven biển:

Đặc điểm: địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển thủy sản mặn lợ, sản xuất giống, khai thác xa bờ, phát triển lâm nghiệp, nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Kim Sơn. Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực: 475 ha lúa; 3.529 ha thủy sản mặn lợ; 312 trại sản xuất giống ngao, hàu, cua, cá; 614,3 ha rừng ngập mặn. Các sản phẩm chủ lực: tôm, ngao, giống hàu, giống ngao, lúa. Các sản phẩm đặc sản: mật vẹt./.

Kim Oanh